Sản xuất công nghiệp: Lớn dần nỗi lo hàng tồn kho

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong quý II, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi ấn tượng kéo chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh cơ hội, dự báo có nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp (DN) công nghiệp, trong đó có hàng tồn kho gia tăng.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp trong quý II/2022 ước tính tăng 9,87% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiên Giang
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp trong quý II/2022 ước tính tăng 9,87% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiên Giang

Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được duy trì và dần phục hồi. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,87% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là “đầu kéo” tăng trưởng với mức tăng 9,66%. Tiếp đó là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,51%; khai khoáng tăng 2,28%.

Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp nửa đầu năm 2022 ước tính tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 11,6%); sản xuất và phân phối điện tăng 6% (cùng kỳ tăng 8,6%); cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,1% (cùng kỳ tăng 6,8%); khai khoáng tăng 3,9% (cùng kỳ giảm 6%).

Về tiêu thụ, chỉ số tiêu thụ của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với nửa đầu năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,2%).

Bộ Công Thương đánh giá, tiến độ tiêm chủng nhanh, sự phục hồi kinh tế toàn cầu cũng như việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư đã khiến các ngành kinh tế, trong đó có công nghiệp, phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Áp lực hàng tồn kho và chi phí sản xuất

Bên cạnh nhiều ngành công nghiệp có tốc độ phục hồi và tăng trưởng khá, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, một số ngành có chỉ số IIP giảm trong 6 tháng đầu năm như: sản xuất vải dệt thoi giảm 7,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 9,5%; sản xuất than cốc giảm 3,2%; sản xuất bê tông, các sản phẩm từ xi măng và thạch cao giảm 7,9%; sản xuất pin và ắc quy giảm 5,15%...

Một số sản phẩm giảm nhanh so với cùng kỳ năm trước như: phân DAP giảm 31,4%; quặng Apatit giảm 17,6%; thép các loại giảm 14,7%; máy công cụ giảm 21,9%; ti vi giảm 18,3%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo giảm 9,7%...

Đáng chú ý, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm 2021 như: thiết bị điện tăng 90,9%; da và các sản phẩm có liên quan tăng 73,8%; sản xuất kim loại tăng 74%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 38%...

Ông Trịnh Tiến Anh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam chia sẻ, tại thời điểm này, hàng tồn kho của Shengli Việt Nam rất cao do nhu cầu về thép xây dựng thấp. Để tháo gỡ, DN bắt buộc phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca xuống còn 2 ca, thậm chí có những giai đoạn phải dừng sản xuất.

Đối với công nghiệp dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam lo ngại, sức mua sản phẩm dệt may những tháng cuối năm có thể giảm. Tín hiệu là lượng đơn hàng giảm khi chi phí đầu vào sản xuất gia tăng.

Thực tế cho thấy, hiện giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu tăng tạo áp lực rất lớn lên chi phí sản xuất của DN. Một số ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương cần nâng cao hơn nữa vai trò “nhạc trưởng” để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, tận dụng các cơ hội từ hội nhập cũng như hỗ trợ DN hóa giải thách thức…

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, dù ngành công nghiệp có sự phát triển và phục hồi mạnh sau đại dịch, song vẫn còn nhiều điều chưa thể yên tâm, chưa thể hài lòng cần phải cải thiện. Năng suất lao động, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp còn thấp. Môt số ngành công nghiệp xuất khẩu được coi là công nghệ cao, nhưng những khâu DN trong nước đảm nhận lại là những khâu công nghệ thấp, sử dụng lao động giản đơn, chủ yếu là lắp ráp…

Dù khó khăn, thách thức khá lớn, song ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra, vẫn có những thuận lợi để sản xuất công nghiệp bứt tốc khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai mạnh mẽ; Việt Nam là điểm đến hứa hẹn của làn sóng chuyển dịch đầu tư, tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các DN nước ngoài; một số DN có lượng đơn hàng tăng…

Ông Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN chủ động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất định. Trong đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch...

Chuyên đề