Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh:AP |
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm qua công bố kế hoạch làm việc trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức, trong đó tuyên bố sẽ không theo đuổi hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gọi đây là "thảm họa tiềm ẩn với nước Mỹ", theo Reuters.
Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, nếu ông Trump thực hiện đúng tuyên bố này và hủy bỏ TPP, đây sẽ là một món quà vô giá mà ông trao cho Trung Quốc ngay sau khi lên nắm quyền và Bắc Kinh không mong muốn gì hơn thế từ Washington.
Sau tuyên bố trên của ông Trump, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã phải thốt lên rằng TPP sẽ "trở nên vô nghĩa nếu thiếu Mỹ" và lãnh đạo các nước tham gia TPP đang dự hội nghị APEC ở Peru cũng không có bất cứ cuộc thảo luận nào để bàn cách biến TPP thành hiện thực khi không có sự góp mặt của đối tác lớn nhất này.
Wei Yao, chuyên gia phân tích tại ngân hàng Societe Generale của Pháp, từng nhấn mạnh: "Một lợi thế với Trung Quốc dưới thời ông Trump, so sánh với thời ông Obama, là hiệp định TPP - vốn không có sự tham gia của Trung Quốc – sẽ chết yểu".
TPP là thỏa thuận thương mại được ký kết giữa 12 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương nhưng không có Trung Quốc. Cây bút Linette Lopez của Business Insider cho rằng khi rút khỏi TPP, Mỹ sẽ để lại một khoảng trống quyền lực rất lớn cả về kinh tế, thương mại, chính trị ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ nhanh chóng lấp đầy khoảng trống đó, khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực phải co mình lại.
Lopez cho rằng vũ khí lợi hại nhất mà Trung Quốc sẽ tung ra sau khi nhận "món quà vô giá" từ Trump chính là sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" và những thỏa thuận kinh tế khác tạo dựng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị đối với những quốc gia này, đẩy họ ngày càng xa khỏi Mỹ.
Chuyên gia phân tích Meredith Sumpter của Eurasia Group cho rằng Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội một khi TPP bị đóng băng. "Trong tương lai gần, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ theo đuổi hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với các quốc gia ASEAN và các đối tác thương mại khác ở châu Á – Thái Bình Dương", Sumpter nói.
Theo bình luận viên Ben Shull của The Week, tuyên bố hủy bỏ TPP của ông Trump càng chứng minh một điều rằng lập trường của ông về thương mại hoàn toàn trái ngược với vai trò mà Mỹ lẽ ra phải đảm trách ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Dù Trump luôn tuyên bố rằng TPP là một "thảm họa", một "thỏa thuận kinh khủng", hiệp định này là công cụ tối cần thiết của Mỹ để tiếp tục giữ vị thế ở châu Á nói chung và đối với Trung Quốc nói riêng.
Trump tuyên bố TPP là "thảm họa" với nước Mỹ
Shull cho rằng với việc loại trừ Trung Quốc, TPP đã ngầm tìm cách giảm bớt ảnh hưởng về kinh tế của Bắc Kinh trong khu vực bằng cách tích hợp các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương với Mỹ. Việc Trump tỏ ra phũ phàng với các quan hệ thương mại năng động ở Đông Á sẽ đẩy các đồng minh của Mỹ trong khu vực vào thế trở thành đối tượng bị Trung Quốc "hăm dọa".
Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã nhiều lần thể hiện thái độ không thiện cảm đối với Trung Quốc. Ông gọi nước này là "kẻ trộm lớn nhất trong lịch sử thế giới", thậm chí nói rằng Trung Quốc đang "cưỡng bức" nước Mỹ, đe dọa sẽ gọi quốc gia này là "kẻ thao túng tiền tệ" trong ngày đầu tiên nhậm chức.
Tuy nhiên, Shull chỉ ra rằng các số liệu thống kê cho thấy Trung Quốc không hề "nguy hiểm" với Mỹ như Trump tuyên bố. Các dữ liệu gần đây cho thấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thường niên của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2016 chỉ ở mức 6,7%. Đây là con số do chính phủ Trung Quốc công bố, tỷ lệ tăng trưởng thực tế có thể còn thấp hơn bởi các thách thức kinh tế nội tại.
Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực cũng đang theo chiều hướng đi xuống. Trung Quốc gần đây đã từ bỏ học thuyết "trỗi dậy hòa bình", không ngừng tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á, bồi đắp, cải tạo phi pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Những động thái này đã khiến nhiều quốc gia châu Á nổi giận, từ đó tăng cường hợp tác với Mỹ để chống lại ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, tổng thống tiếp theo của Mỹ nắm trong tay cơ hội thực sự để kiềm chế quyền lực của Trung Quốc. Nhưng ông Trump đã đơn giản là từ bỏ cơ hội đó, Shull nhận định.
Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, Trump dường như cũng sẽ vung lên một cây gậy quá nhỏ về sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á. Ông từng tuyên bố sẽ buộc các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc phải trang trải chi phí cho lính Mỹ đồn trú, thậm chí đe dọa sẽ rút lực lượng quân sự Mỹ khỏi đây.
"Sự kết hợp giữa chủ nghĩa bảo hộ không chịu nhượng bộ với giảm bớt ảnh hưởng quân sự là con đường tệ nhất mà nước Mỹ có thể đi để kiềm chế Trung Quốc", Shull nhấn mạnh. "Với các chính sách này, ông Trump chỉ đang làm Trung Quốc vĩ đại trở lại".