Bên cạnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, bị thua lỗ, không có khả năng thanh toán,... dẫn đến nợ thuế, có không ít doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì nộp thuế. Ảnh: Gia Khoa |
Giao thu nợ ngay từ đầu năm
Theo số liệu của Tổng cục Thuế (TCT), từ đầu năm đến tháng 7/2016, cơ quan thuế các cấp đã đôn đốc, cưỡng chế thu được 23.500 tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2015 chuyển sang, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Có được kết quả này, theo ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng TCT, ngay từ đầu năm, cơ quan thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng đơn vị, chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ theo đúng quy định, quy trình quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; tăng cường phối hợp giữa bộ phận quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế... để đối chiếu, rà soát các khoản nợ thuế, điều chỉnh kịp thời các khoản nợ ảo do nhầm lẫn trong khâu hạch toán, do sai sót chứng từ; chủ động đối chiếu nợ với doanh nghiệp, xác định số chênh lệch, phân tích thực trạng, nguyên nhân để kịp thời điều chỉnh…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nếu như mọi năm, thường vào khoảng giữa năm, cơ quan thuế mới bắt tay vào thu hồi nợ đọng thuế. “Nhưng năm nay, ngay khi Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã xác định cân đối ngân sách nhà nước năm nay hết sức căng thẳng do giá dầu giảm mạnh nên ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan phải ráo riết thu hồi nợ đọng thuế”, ông Dũng cho biết.
Theo phân tích của ông Dũng, trong tổng số 75.230 tỷ đồng tiền nợ thuế (tính đến thời điểm 31/5/2016) thì số nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày là 34.553 tỷ đồng, chiếm gần 46%. Số tiền này có khả năng thu được, nhưng phải hết sức quyết liệt và sử dụng hiệu quả các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ. Tiền chậm nộp và phạt chậm nộp là 25.122 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,4%. Số tiền này thu hồi đạt hiệu quả thấp vì doanh nghiệp nợ thuế ngoài tiền nợ còn phải nộp tiền chậm nộp nên số tiền chậm nộp tăng lên theo thời gian (mỗi ngày chậm nộp, doanh nghiệp phải nộp 0,03%) và thực tế tiền chậm nộp đã tăng gần 10% so với thời điểm 31/12/2015. Nan giải nhất vẫn là nợ không có khả năng thu lên tới 15.550 tỷ đồng. “Số nợ thuế không có khả năng thu hồi là do doanh nghiệp giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật đã chết, mất tích hoặc bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Cơ quan thuế đang phân loại nợ: nợ có khả năng thu, nợ khó có khả năng thu và nợ chờ xử lý, sau đó sẽ báo cáo Quốc hội để xin phương án xử lý” - ông Dũng nhấn mạnh.
Thu hồi nợ tăng, số tiền nợ thuế vẫn tăng
Giải pháp để thực hiện mục tiêu này, theo ông Phi Vân Tuấn, là cơ quan thuế phối hợp với các cấp, các ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc đôn đốc thu thuế, chống thất thu, thu hồi nợ đọng, khai thác tăng thu ngân sách. Đồng thời với việc đẩy mạnh công khai thông tin người nộp thuế, không nộp tiền thuế đúng hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cục thuế tiếp tục giao nhiệm vụ đôn đốc việcthu nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Nhiệm vụ đặt ra rất quyết liệt, nhưng xem ra việc thực hiện không hề dễ dàng gì. Bởi theo số liệu của TCT, tính đến 31/5/2016 nợ thuế tiếp tục tăng 1.335 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2015. Có 55/63 địa phương có nợ thuế tăng, trong đó có 49/55 địa phương tăng trên 10%, nhiều tỉnh có số nợ thuế tăng cao như Đồng Nai tăng gần 78%, Lai Châu tăng gần 106%, Tuyên Quang tăng 167,5%, Phú Thọ tăng hơn 142%, Hậu Giang tăng gần 116%, Quảng Ninh tăng 70%...
Phó Tổng cục trưởng TCT, ông Nguyễn Đại Trí xác nhận, mặc dù số tiền nợ thuế thu hồi tăng, nhưng số tiền nợ thuế cũng tăng, thậm chí còn tăng hơn số thuế nợ đọng thu hồi được. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I và quý II/2016 giảm đột ngột so với quý III và quý IV/2015. Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, bị thua lỗ, không có khả năng thanh toán, tài sản đã thế chấp ngân hàng nên áp dụng cưỡng chế bằng biện phápmạnh tay là cơ quan thuế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên không thể thực hiện được.
Tình trạng khó thu hồi thuế nợ đọng, theo ông Trí, là vẫn còn một bộ phận (không nhỏ) doanh nghiệp cố tình chây ỳ, cố tình nợ đọng. Với những đối tượng này, cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế đầu tiên (mức độ nhẹ nhất) trong 7 biện pháp cưỡng chế đã được quy định trong Luật Quản lý thuế là trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại ngân hàng thương mại; yêu cầu phong tỏa tài khoản cũng không có hiệu quả. “Doanh nghiệp thường mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Khi nợ thuế bị cơ quan thuế yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp chỉ cung cấp những tài khoản có số dư rất ít, thậm chí không còn số dư hoặc số dư không đủ số tiền nợ thuế nên việc thu nợ với đối tượng cố tình chây ỳ hết sức khó khăn” - ông Trí cho biết.
Không thu được nợ thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng của người nợ thuế, cơ quan thuế được quyền áp dụng biện pháp mạnh hơn (biện pháp thứ tư) là thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. “Tuy nhiên, biện pháp này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh; ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp, do đó cơ quan thuế hết sức thận trọng và vạn bất đắc dĩ mới áp dụng. Bởi quan điểm của Bộ Tài chính và TCT là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và có nguồn để nộp thuế” - ông Trí nhấn mạnh.