Rao bán “siêu dự án” địa ốc “đắp chiếu” gần 10 năm ở cửa ngõ TPHCM

Dự án Kenton Node do Công ty TNHH Xây dựng SX-TM Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, vì chủ đầu tư nợ 4.000 tỷ đồng nên ngân hàng BIDV đã rao bán dự án này.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty Tài Nguyên. Trong đó tài sản thế chấp là siêu dự án Kenton Node (xã Phước kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM) “đắp chiếu” gần 10 năm nay tại cửa ngõ phía nam TPHCM.

Cụ thể, số nợ của Công ty Tài Nguyên gồm gốc và lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá tính đến hết ngày 29/3 là 4.063 tỷ đồng. Tài sản thế chấp của Công ty Tài Nguyên ở BIDV là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đối với dự án hình thành trong tương lai là Kenton. Dự án Kenton còn là tài sản được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank (BIDV chiếm 58% giá trị).

Dự án Kenton Node được BIDV rao bán vì chủ đầu tư nợ hơn 4.000 tỷ đồng

Giá trị định giá tài sản là 7.836,7 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545,5 tỷ đồng. Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội với giá trị định giá lần đầu là 885,5 tỷ đồng.

Dự án Kenton có tổng diện tích là 9,1 ha và gồm 1.640 căn hộ. Theo quy hoạch mới, dự án Kenton Node sẽ có tổ hợp gồm căn hộ ở, căn hộ lưu trú, khách sạn, trung tâm mua sắm, trung tâm dịch vụ ăn uống giải trí, nhà hát biểu diễn và trường học, phòng khám quốc tế.

Trong đó, khách sạn theo tiêu chuẩn 5 sao với 288 phòng; khu condotel có 586 căn; khu căn hộ có 1.683 căn, diện tích 47 - 142 m2. Tất cả công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu, các thiết bị vật tư chủ yếu được nhập khẩu trực tiếp của các thương hiệu nổi tiếng từ Đức...

Vào năm 2009, dự án được khởi công và Công ty Tài Nguyên chính thức mở bán. Được biết, tổng vốn đầu tư cho dự án vào thời điểm đó là 300 triệu đô và dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Thế nhưng, sau đó chủ đầu tư gặp vấn đề về vốn và dự án được trùm mềm trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng bất động sản giai đoạn 2009-2013.

Nhiều chuyên gia nhận định, sai lầm trong chiến lược kinh doanh của chủ đầu tư đã khiến cho kế hoạch bị phá sản và đưa dự án Kenton sa lầy. Khi thị trường bất động sản hồi phục và trở lại với đà phát triển, thì dự án Kenton không thể đưa vào hoạt động.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty Tài Nguyên

Đến năm 2017, dự án Kenton được tái khởi động khi có thêm 1.060 tỷ đồng hậu thuẫn từ BIDV và MSB để triển khai. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, việc phục hưng Kenton là rất khó khi dự án đã có vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Đặc biệt, khoản hỗ trợ từ các ngân hàng sẽ không đủ vào đâu khi dự án đã có giá bán quá cao so với thị trường…

Hiện nay, dự án vẫn trong quá trình đang hoàn thiện và chưa biết đến khi nào hoàn thành.

Chuyên đề