Trong khi một số bộ, ngành đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 100%, thì vẫn có nhiều bộ, ngành chỉ đạt dưới 30%. Ảnh: Tiên Giang |
Nhận diện rõ nguyên nhân
Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra ngày 30 - 31/12/2019, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (bao gồm trái phiếu chính phủ) năm 2019 ước đạt 270,21 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 62,94% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 67,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho biết, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, khối lượng thực hiện đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2019 (bao gồm cả trái phiếu chính phủ) ước đạt 342,9 nghìn tỷ đồng, bằng 89,5% kế hoạch năm và tăng 5,8% so với năm 2018. Theo đó, có khoảng 72,69 nghìn tỷ đồng giá trị khối lượng đã thực hiện nhưng chưa triển khai giải ngân tại Kho bạc Nhà nước.
Tính đến tháng 12/2019, có 7 bộ, ngành và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 90% kế hoạch. Trong đó, có 4 bộ, ngành đạt tỷ lệ giải ngân 100% và 5 địa phương đạt trên 95%. Ngược lại, vẫn còn 15 bộ, ngành, 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 60%, trong đó có 5 bộ, ngành dưới 30%.
“Với tiến độ giải ngân như hiện nay, khả năng giải ngân hết kế hoạch năm 2019 là rất khó khăn”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Theo Bộ KH&ĐT, nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công đến từ cả chủ quan và khách quan. Có thể kể đến việc giao vốn còn chậm ở cả cấp trung ương và phân bổ chi tiết ở cấp bộ, ngành, địa phương; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ nét, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế. Thủ tục điều chỉnh chưa được đơn giản hóa, phải được xét duyệt qua nhiều cấp, thủ tục này phải chờ thủ tục kia, mất nhiều thời gian, chưa chủ động, linh hoạt. Đồng thời, năm 2019 là năm có nhiều điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn như sử dụng dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương, điều chỉnh cắt giảm, bổ sung vốn và danh mục dự án... nên mất nhiều thời gian rà soát, xét duyệt của các cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật…
Cần thiết đẩy mạnh đầu tư công
Theo ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, một trong những biến số quan trọng của tăng trưởng là đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công chậm trong vài năm trở lại đây có thể có tác động đến phát triển kinh tế trong tương lai vì hạ tầng chưa được đầu tư mạnh. Việt Nam chỉ vừa mới gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, vẫn phải đảm bảo các động lực tăng trưởng, trong đó hạ tầng chất lượng cao là rất quan trọng. Các dự án đầu tư công cần triển khai nhanh, đảm bảo đem lại lợi ích như dự kiến.
Thực tế, Quốc hội, Chính phủ trong những năm qua đã rất quan tâm, tìm cách tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn quan trọng này. Luật Đầu tư công đã được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định pháp luật về đầu tư công.
Ngày 29/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2020 theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 29/10/2019 của Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án. Kịp thời thay thế những viên chức, người lao động yếu kém hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ quản lý vốn đầu tư và trong công tác đấu thầu...
Với nhiều giải pháp đồng bộ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đang được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn và đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế. Chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho rằng, việc đẩy mạnh đầu tư công với bối cảnh Việt Nam hiện nay là cần thiết, cần hơn bao giờ hết so với trước đây để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, nguồn vốn đầu tư công phối hợp cùng với khu vực tư nhân sẽ giúp có thêm nhiều dự án PPP phát triển hạ tầng.