Nhiều nhà thầu là những “ông lớn” trong lĩnh vực giao thông đã bị loại với lý do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Ảnh: Lê Tiên |
Cách xử lý trước những kiến nghị này phần nào thể hiện mức độ quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương. Chỉ khi khiếm khuyết được chỉ ra, tính minh bạch trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu mới được cải thiện.
Nỗ lực xác định khiếm khuyết để sửa đổi
Khi thanh tra việc chấp hành pháp luật về đấu thầu tại Gói thầu Thi công xây dựng đoạn Km0 - Km5+187 đường Tân Tập - Long Hậu - Quốc lộ 50 - Cảng Long An, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Long An xác định những khiếm khuyết sau: HSMT quy định nhà thầu phải cung cấp giấy xác nhận không nợ thuế của cơ quan thuế là chưa rõ ràng, bên mời thầu chưa xác định rõ "không nợ thuế" và "hoàn thành nghĩa vụ thuế", dẫn đến đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) chưa chính xác.
Những khiếm khuyết của Bên mời thầu khi lập HSMT gói thầu nêu trên đã được Sở KH&ĐT Long An mạnh dạn chỉ rõ. Chính Bên mời thầu cũng thẳng thắn nhìn nhận những sơ suất này và khi tổ chức lựa chọn nhà thầu lần 2, Bên mời thầu đã đưa vào những tiêu chí rõ ràng, dễ hiểu, không gây hiểu nhầm.
Sự nhanh nhạy, thẳng thắn khi đánh giá việc thực thi Luật Đấu thầu của Sở KH&ĐT Long An để từ đó chỉ ra những khiếm khuyết khi lập HSMT là điều rất đáng ghi nhận. Chính những nội dung đánh giá khách quan này sẽ giúp cho các bên mời thầu nhìn nhận lại được quá trình lập HSMT còn những tồn tại nào cần khắc phục.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, các nhà thầu khẳng định, việc điều chỉnh HSMT, xác định rõ các tiêu chí trong HSMT, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu lập HSDT là rất đáng hoan nghênh mà bất kỳ nhà thầu nào cũng trân trọng.
Vẫn mù mờ do thiếu quyết liệt
Gói thầu số 12 Xây lắp công trình giai đoạn 1 thuộc Dự án Đường tỉnh 208, từ thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An) - xã Cách Linh, Triệu Ẩu (huyện Phục Hòa) - xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (huyện Hạ Lang) - xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh), tỉnh Cao Bằng đã được Bên mời thầu là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng công bố nhưng các nhà thầu bị loại hoàn toàn không “tâm phục khẩu phục”. Đây là gói thầu có giá trị gần 700 tỷ đồng. Và kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) gói thầu này cũng dính những thắc mắc hoàn toàn tương tự như gói thầu nêu trên tại Long An, nhưng cách xử lý vấn đề lại hoàn toàn khác biệt.
Nhiều nhà thầu đều là những “ông lớn” trong lĩnh vực giao thông đã bị loại với lý do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Các nhà thầu này đều khẳng định, lý do này là không xác đáng vì trong HSDT, các nhà thầu đã nộp văn bản xác nhận của cơ quan thuế là không nợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế môn bài theo kê khai, theo các khoản thuế được thông báo phải nộp.
Trong khi đó, theo Bên mời thầu, việc loại nhà thầu dựa vào yêu cầu của HSMT và văn bản xác nhận lần 1 của Cục Thuế Hà Nội. Bên mời thầu này sau đó còn đổ hết mọi nguyên nhân sang Cục Thuế Hà Nội vì phát hành ra các văn bản đá nhau. Đồng thời, khẳng định, quan điểm chấm HSDT của Bên mời thầu là “án tại hồ sơ”. Đồng thời cho rằng, sau khi phát hành HSMT, trong khoảng thời gian chuẩn bị HSDT, Bên mời thầu đã không nhận được ý kiến của bất cứ nhà thầu nào đề nghị giải thích và làm rõ tiêu chí hoàn thành nghĩa vụ thuế. Với quan điểm bảo lưu KQLCNT cũng như cách đánh giá HSDT gói thầu nêu trên tại Cao Bằng, các nhà thầu cho rằng, tâm lý sợ bị “cài bẫy” vẫn còn rất nặng nề. Đáng tiếc, không có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương nên niềm tin vào tính cạnh tranh, minh bạch vẫn còn treo lơ lửng.
Thời gian qua, việc sử dụng các khái niệm “văn bản xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế” và “văn bản xác nhận không nợ thuế” đang được một số bên mời thầu sử dụng như một chiêu “cài bẫy” nhà thầu. Việc cố tình loại nhà thầu bởi những khái niệm mang tính lập lờ, không cho cơ hội được làm rõ HSDT về các nội dung này đã khiến dư luận dậy sóng.
Cục Quản lý đấu thầu đã có nhiều văn bản cảnh báo hiện tượng nêu trên và yêu cầu các bên mời thầu cần tuân thủ đúng quy định pháp luật về đấu thầu, đảm bảo quyền lợi của nhà thầu. Vấn đề sẽ được giải quyết rốt ráo hơn nếu các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương nơi xảy ra kiến nghị tích cực vào cuộc để làm rõ, để từ đó các HSMT thực sự tường minh, nhà thầu yên tâm “thi thố” khi dự thầu chứ không nơm nớp sợ bị “gài bẫy”.