Quy hoạch TP. Đà Nẵng: Cần khắc họa rõ vai trò trung tâm phát triển, kết nối vùng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội thảo tham gia ý kiến đối với Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, Quy hoạch phải làm rõ nét sự kết nối giữa Đà Nẵng với các địa phương lân cận để phát huy vai trò trung tâm phát triển của vùng và khu vực.
Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Tiên Giang
Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Tiên Giang

Theo Báo cáo Quy hoạch TP. Đà Nẵng, Thành phố đưa ra 3 trụ cột cần tập trung phát triển trong thời gian tới. Đó là du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; kinh tế tri thức (gồm 2 mũi nhọn: công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số); trung tâm dịch vụ chất lượng cao (với 2 mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực).

Bản quy hoạch cũng thể hiện rõ mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, với vai trò là điểm đến quan trọng, gắn với việc đẩy mạnh kết nối không gian du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Tây Nguyên… Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics, trong đó ga hàng hóa đường sắt, cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, quốc gia trên hành lang kinh tế Đông - Tây, khu vực ASEAN và quốc tế.

Quy hoạch Đà Nẵng cũng định hướng các trục hàng lang động lực để phát triển không gian kinh tế và liên kết vùng nhờ các hàng lang ven biển (tuyến đường Nguyễn Tất Thành - Lê Đức Thọ - Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa kết nối với thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) và TP. Hội An (Quảng Nam); hành lang cao tốc (La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi); hàng lang Quốc lộ 14B và Quốc lộ 14 G nối Đà Nẵng với Quảng Nam và Kon Tum; hàng lang kinh tế Đông - Tây qua Quốc lộ 1 nối cảng Tiên Sa với Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đến cửa khẩu Lao Bảo…

Góp ý cho Báo cáo, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Quy hoạch có đưa ra các nội dung liên kết giữa Đà Nẵng và các địa phương lân cận, đặc biệt là phía Tây và Đông, nhưng chưa nêu rõ tiềm năng khai thác và các phương thức triển khai kết nối như thế nào. Đơn cử với việc phát triển hàng lang kinh tế Đông - Tây qua Quốc lộ 1 nối cảng Tiên Sa với Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đến cửa khẩu Lao Bảo…, Quy hoạch cần làm rõ vai trò, chức năng của cảng này như thế nào, sẽ phát triển như cảng du lịch hay cảng hàng hóa… để từ đó đưa ra các giải pháp, phương thức kết nối phát triển giữa các địa phương.

Ông Cao Viết Sinh cũng nhấn mạnh, theo thống kê thì mức độ hưởng lợi của người dân (thu nhập đầu người) đến từ sự tăng trưởng về kinh tế của Thành phố là rất tích cực, có mức tăng tương đối đồng đều, gần nhau, trong khi nhiều địa phương khác có sự chênh lệch lớn. Đây là một trong những điểm tích cực, đáng học hỏi từ mô hình phát triển của Đà Nẵng. Do vậy, cần nghiên cứu sâu hơn nguyên nhân, mô hình nào giúp Đà Nẵng có được kết quả tích cực như vậy, từ đó tiếp tục phát huy và chia sẻ mô hình phát triển để tạo động lực lan tỏa.

Theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, một trong những nội dung đổi mới cơ bản trong tư duy, phương pháp và nội dung lập quy hoạch được đưa ra trong Luật Quy hoạch đó là yêu cầu tích hợp quy hoạch. Với quy hoạch địa phương, cần coi trọng việc tích hợp theo chiều dọc với các quy hoạch cao hơn như: quy hoạch quốc gia, vùng, ngành… Hiện, quy hoạch quốc gia, vùng chưa có nhưng các nội dung, định hướng đã được tiếp cận, được trao đổi thảo luận rộng rãi trong thời gian qua. Do đó, quy hoạch địa phương cần bám sát định hướng trong các quy hoạch cấp trên để tích hợp, khớp nối thống nhất.

Ngoài ra, việc tích hợp còn theo chiều ngang, giữa các địa phương, tỉnh trong vùng quy hoạch và hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực trên cùng một địa bàn, điều kiện phát triển trong vùng, liên kết vùng. Với hướng tiếp cận đó, ông Cường đề xuất, khi lựa chọn phương án phát triển ngành, lĩnh vực, Quy hoạch cần tập trung làm rõ sự kết nối, tác động lan tỏa với các địa phương xung quanh. Từ đó, làm rõ hơn vai trò, định hướng trở thành trung tâm của vùng, là nơi tập trung thu hút nguồn lực cho sự phát triển của Đà Nẵng nói riêng và vùng nói chung.

Chuyên đề