Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị thẩm định dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung |
Cơ hội định hình lại Quảng Ngãi trong bối cảnh mới
Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời, đánh giá cao sự hoàn thiện của bản Quy hoạch. Qua đây thể hiện sự quan tâm, cầu thị của Tỉnh đối với công tác quy hoạch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, Quảng Ngãi là địa phương có bước phát triển nhanh, nhất là giai đoạn từ năm 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,4% đều qua các năm. Động lực giúp Tỉnh đạt được tốc độ tăng trưởng khả quan này là Khu kinh tế Dung Quất, cùng với ngành công nghiệp lọc dầu, luyện thép.
Được xác định là một tỉnh tập trung vào ngành công nghiệp, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Quảng Ngãi gần đây đang chậm lại trong giai đoạn 2016 - 2020, thể hiện qua các giá trị thu ngân sách, tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người, tốc độ đô thị hóa thấp hơn so với mức bình quân vùng và bình quân cả nước. Chính những điểm nghẽn này đặt ra yêu cầu Quảng Ngãi phải cơ cấu lại các ngành sao cho hài hòa, phát huy tối đa các lợi thế vốn có của địa phương, không để ngành công nghiệp lọc dầu, luyện thép khiến cơ cấu kinh tế mất cân bằng.
Dựa vào vị trí địa lý, Quảng Ngãi cần tập trung đánh giá lại mối liên kết với các các địa phương trong vùng giàu dư địa, tiềm năng. Trong đó, xét đến mối tương quan với Quảng Nam, đây là địa phương có cảng nước sâu rất lớn, có Sân bay Chu Lai, Khu kinh tế Chu Lai…, hay Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định có đủ lợi thế, dư địa, tiềm năng liên kết để trở thành tổ hợp - cụm công nghiệp lớn của cả nước. Đồng thời, quy hoạch tích hợp Quảng Ngãi là một cực tăng trưởng trong vùng động lực kinh tế miền Trung (Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi). “Như vậy, quy hoạch là cơ hội để Quảng Ngãi định hình lại mình trong bối cảnh mới với nhiều thách thức, là cơ hội để Tỉnh xác định đâu là điểm nghẽn cần giải quyết, đâu là xung lực, động lực phát triển để sắp xếp, cơ cấu lại không gian các ngành, thúc đẩy sự phát triển của Quảng Ngãi trong tương lai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lựa chọn phát triển theo hướng hài hòa và bền vững
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xác định công tác tổ chức lập Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn để phát triển của Tỉnh. Quy hoạch Tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ đặc biệt quan trọng để Tỉnh hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển toàn diện, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
Ông Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung |
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi xây dựng 3 kịch bản phát triển, theo đó mỗi kịch bản đều có những ưu thế và nhược điểm riêng. Trong kịch bản 1, Quảng Ngãi sẽ phát triển theo hướng đa trung tâm. Trong kịch bản 2, Quảng Ngãi sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hóa toàn diện. Với kịch bản 3, Quảng Ngãi sẽ phát triển theo hướng hài hòa và bền vững.
Với điều kiện thực tế và với tiềm lực, dư địa phát triển hiện có, qua phân tích, cân nhắc các yếu tố về kinh tế, xã hội, môi trường, Quảng Ngãi lựa chọn phát triển theo hướng hài hòa và bền vững. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 7,25 - 8,25% (trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 7 - 8% và giai đoạn 2026 - 2030 là 7,5 - 8,5%) là kịch bản phát triển của Tỉnh trong thời kỳ tới. Cùng với đó, Tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép; hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.
Bên cạnh đó, Quy hoạch Tỉnh cũng đã định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc 4 hành lang kinh tế chiến lược (Hành lang kinh tế Bắc Nam: Dung Quất - TP. Quảng Ngãi - Sa Huỳnh; Hành lang Ba Vì (Ba Tơ) - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng; Hành lang Lý Sơn- Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc quốc lộ 24C mở rộng kết nối Trà My, và cửa khẩu Nam Giang (Hành lang Đông Tây phía Bắc); Hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 24 Sa Huỳnh - Ba Tơ - Bờ Y: từ Phổ An đi Thạch Trụ - Phổ Phong đến Ba Tơ - Kon Tum - Bờ Y - Ngọc Hồi (Hành lang Đông Tây phía Nam)), 6 không gian kinh tế động lực (Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, thương mại; Vùng động lực công nghiệp; Khu vực kinh tế sinh thái biển; Khu vực kinh tế rừng xanh; Hành lang nông nghiệp bền vững; Đảo Lý Sơn - “ngọc lớn - ngọc bé” của Biển Đông).
Về phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng, Quảng Ngãi xác định các ngành công nghiệp nền tảng (lọc dầu, luyện kim thép...) sẽ là động lực chính dẫn dắt sự phát triển kinh tế của Tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030. Hướng tới 2050, đa dạng hoá cơ cấu công nghiệp, giảm dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp phát thải lớn. Phát triển công nghiệp theo chiều sâu và mở rộng theo chuỗi giá trị dựa trên cơ sở các điều kiện và lợi thế của các ngành công nghiệp ưu tiên đang có. Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hoá dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi; nghiên cứu và định hướng phát triển khai thác năng lượng hydrogen. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hoá, tận dụng hiệu quả xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao và thân thiện hơn với môi trường.
Với tầm nhìn xây dựng bức tranh kinh tế đa sắc, sự phát triển của Quảng Ngãi không chỉ dừng lại ở sự năng động của các hoạt động kinh tế hiện có, do đó, Quy hoạch Tỉnh xác định phát triển thương mại - dịch vụ thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ngãi, ngày càng nâng cao giá trị đóng góp của ngành vào cơ cấu kinh tế của Tỉnh. Phát triển đa dạng loại hình du lịch (biển, biển đảo, rừng, nghỉ dưỡng...) mang tính khác biệt so với các tỉnh lân cận theo hướng xanh, bền vững, cao cấp, trọng tâm phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển - đảo. Phát huy tiềm năng về phát triển du lịch của khu vực này, hiện chưa được khai thác tương xứng trên một không gian rộng lớn của lãnh thổ với sự hiện diện độc đáo của cùng lúc 3 di sản thế giới được công nhận bởi UNESCO. Việc phát triển phải liên kết chặt chẽ với cộng đồng địa phương để phát huy các giá trị cốt lỗi của Quảng ngãi và nâng cao chuỗi giá trị kinh tế từ du lịch. Đặc biệt là du lịch, cần chú trọng vào chất lượng và năng suất/giá trị kinh tế thay vì chạy đua theo số lượng trước mắt mà phát triển ồ ạt thiếu bền vững./.