Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung |
Cơ cấu kinh tế chưa đa dạng
Xét về quy mô, nền kinh tế Quảng Ngãi đang thuộc nhóm trung bình trong Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (quy mô GRDP (2020) là 82.480 tỷ đồng, đứng ở vị trí thứ 5/9 so với các tỉnh Vùng duyên hải miền Trung). Tốc độ tăng trưởng GRDP toàn Tỉnh không ổn định và có xu hướng chậm dần trong giai đoạn 2016 - 2020. Thu nhập bình quân đầu người của Tỉnh thuộc nhóm thấp trong Vùng và thấp hơn so với mức trung bình cả nước. Cơ cấu kinh tế Tỉnh chưa đa dạng, đang phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn.
Trong công nghiệp, liên kết ngành, kết nối doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn yếu và chưa hình thành liên kết vùng nên sức lan toả còn hạn chế. Đặc biệt, các ngành thế mạnh của Tỉnh đang có xung đột với phát triển trong tương lai và tăng trưởng xanh. Ngành nông, lâm, thủy sản vẫn phát triển theo chiều rộng, chưa ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, chưa phát triển theo chiều sâu và chưa hình thành chuỗi liên kết. Vì thế, giá trị cạnh tranh và tính bền vững của ngành chưa được đảm bảo. Ngành thương mại - dịch vụ - du lịch còn phát triển dưới mức tiềm năng và chưa tạo dựng được thương hiệu.
Theo Quy hoạch, hướng tới 2030, Quảng Ngãi là một tỉnh công nghiệp với quy mô của hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim đứng đầu cả nước. Các loại hình công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao dần hình thành tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Tỉnh từng bước xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là lĩnh vực du lịch. Các mô hình về nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn dần được nhân rộng. Tỷ lệ đô thị hóa được nâng cao với cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh dần được hoàn thiện. Công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiếp tục được chú trọng và đạt được các chỉ tiêu đề ra cho giai đoạn.
Hướng tới 2050, Quảng Ngãi là một tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung; các loại hình dịch vụ tiên tiến, hiện đại và đặc sắc chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; các loại hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trở thành mũi nhọn của lĩnh vực nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ, phù hợp với nhu cầu phát triển.
Giảm phụ thuộc vào dầu, thép, đẩy mạnh liên kết vùng
Đánh giá về tầm nhìn, chiến lược phát triển của Quảng Ngãi, TS.KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, yếu tố liên kết vùng thể hiện trong Quy hoạch Tỉnh còn khá mờ nhạt, trong khi đây là động lực quan trọng kích thích sự phát triển, lan tỏa kết nối kinh tế.
Theo TS.KTS. Trần Ngọc Chính, Quảng Ngãi là địa phương có lợi thế lớn khi hệ thống giao thông quốc gia đi qua như đường bộ, đường bộ cao tốc, đường sắt... Do đó, Quy hoạch Tỉnh cần làm rõ vai trò, ý nghĩa của các hệ thống giao thông quốc gia này đến sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi, đặc biệt đối với dịch vụ logistics, đồng thời làm rõ việc liên kết phát triển giữa cảng hàng không Chu Lai với cảng Dung Quất, nhất là cảng xuất nhập khẩu quan trọng qua đường hàng không và cảng biển là một lợi thế của Quảng Ngãi.
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế cụ thể:
- Giai đoạn 2021 - 2025:
(1) GRDP tăng trưởng trung bình 7 - 8%/năm.
(2) Tốc độ tăng trưởng trung bình của Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (NLTS) >= 4%/năm, của Công nghiệp (CN) >= 8%/năm, của Dịch vụ (DV) >= 8%/năm.
(3) GRDP bình quân đầu người đạt 4.200 - 4.400 USD/người/năm vào năm 2025.
(4) Năng suất lao động tăng bình quân 6 - 8%/năm.
(5) Tỷ trọng của Công nghiệp và Dịch vụ trong cơ cấu GRDP vào cuối giai đoạn: 68 - 69%
(6) Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn trong 5 năm đạt ít nhất 150.000 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2026 - 2030:
(1) GRDP tăng trưởng trung bình 7,5 - 8,5%/năm.
(2) Tốc độ tăng trưởng trung bình của Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (NLTS) 5%/năm, của Công nghiệp (CN) 8,5 - 9,5 %/năm, của Dịch vụ (DV) 11,0 - 12,0 %/năm.
(3) GRDP bình quân đầu người (giá thực tế) đạt 7.700 - 7.900 USD/người/năm vào năm 2030.
(4) Năng suất lao động tăng bình quân 7,0 - 8,0 %/năm.
(5) Tỷ trọng của Công nghiệp và Dịch vụ trong cơ cấu GRDP vào cuối giai đoạn: khoảng 72 - 73%.
(6) Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn trong 5 năm đạt ít nhất 260.000 tỷ đồng.
Cũng theo vị chuyên gia, về phát triển đô thị và công nghiệp, Quảng Ngãi cần xây dựng phương án quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất trở thành “cốt nghiệp” không chỉ mang lại giá trị phát triển cho Tỉnh, mà cho toàn Vùng, cùng những sản phẩm có giá trị, kỹ thuật cao gắn với công nghiệp xanh.
Gợi mở thêm khía cạnh khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có để phát triển kinh tế, TS.KTS. Trần Ngọc Chính đánh giá, không địa phương nào có nền văn hóa cách mạng sâu đậm như Quảng Ngãi, rất nhiều địa danh cách mạng của Tỉnh đã trở thành biểu tượng như Mỹ Lai (Khu chứng tích Sơn Mỹ), hay Phổ Cường, Đức Phổ - những địa danh đã đi vào Nhật ký Đặng Thùy Trâm... Đây chính là yếu tố đặc thù, thế mạnh mà Quảng Ngãi cần chú trọng nhằm quảng bá, thu hút du lịch tại địa phương.
Phản biện dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, khi xây dựng kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh quá phụ thuộc vào 2 dự án là Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn và Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất. Theo kế hoạch, cả 2 dự án cùng được dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2026, song hiện tại, Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn chưa hoàn tất thu xếp vốn, Dự án Nhà máy thép Hòa Phát chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, tiến độ được đánh giá không khả thi.
Đánh giá dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cơ bản thống nhất với kịch bản kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên mục tiêu phát triển theo hướng hài hòa và bền vững của Tỉnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, Quảng Ngãi cần nhận diện lại những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là các điểm nghẽn phát triển, trong đó lưu ý đến vấn đề cân đối cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị, làm rõ các mối quan hệ vùng, liên kết phát triển của Quảng Ngãi với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để thấy được sự liên kết chặt chẽ với 2 địa phương là Quảng Nam và Bình Định và cả với Vùng Tây Nguyên (Kon Tum) - điểm tựa của Quảng Ngãi hướng ra biển Đông. Từ đó, xác định các lợi thế, cơ hội mới để tận dụng trong phát triển.
Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu Quảng Ngãi làm rõ tính khả thi của các kịch bản phát triển, trong đó xác định rõ động lực, đột phá tăng trưởng, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực trong tăng trưởng, không để ngành công nghiệp lọc dầu, luyện thép khiến cơ cấu kinh tế mất cân bằng, lan tỏa các ngành nhằm tăng thu hút đầu tư.
Về phát triển du lịch, cần rà soát lại các sản phẩm theo định hướng phát triển của Tỉnh. Tập trung vào tính đặc thù, khác biệt, cạnh tranh, tạo giá trị cao. Xác định rõ lợi thế so sánh (về tiềm năng, về vị trí, về cơ hội) của du lịch Quảng Ngãi với các địa phương có điều kiện tương đồng; làm rõ một số yếu tố: vị trí địa lý “cầu nối” liên kết của vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên; Lý Sơn - nơi hội tụ của những giá trị tự nhiên; văn hóa Sa Huỳnh; Khu chứng tích Sơn Mỹ.
Tại phiên họp sáng ngày 16/3, Hội đồng Thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết quả 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với điều kiện sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng.