Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn: "Cầu nối" quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại Việt Nam - Asean - Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được ví như “điểm nút” của giao lưu kinh tế giữa nhiều địa phương trong nước với Trung Quốc qua 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và nhiều cửa khẩu/lối mở kết nối khác, trong Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn cần định hướng rõ nét, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực để khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý này, giúp hiện thực hóa khát vọng vươn lên của Tỉnh.

“Độ mở” và “tính liên kết” của kinh tế Lạng Sơn chưa tương xứng với vị trí chiến lược

Sáng 27/10, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã tổ chức Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là phiên họp thẩm định thứ 57 của Hội đồng thẩm định.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Trang Hậu

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Trang Hậu

Lạng Sơn là địa phương miền núi thuộc vùng Đông Bắc, địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh; là điểm nút của sự giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông là Quảng Ninh, phía Nam là Bắc Giang, Bắc Ninh, Thủ đô Hà Nội và phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc với 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và nhiều cửa khẩu/lối mở kết nối khác; là điểm đầu tiên của Việt Nam nằm trên 2 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Hồ Chí Minh - Mộc Bài; là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN. Do vậy, Lạng Sơn có vị trí địa lý rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đặt ra nhiệm vụ trọng yếu trong bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền biên giới quốc gia trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Về kinh tế, năm 2022, quy mô kinh tế của Lạng Sơn đứng thứ 54 trong cả nước và thứ 7 trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 5,32%/năm.

Đánh giá về sự phát triển của địa phương, Thứ trưởng Trần Quốc Phương - Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh cho biết, bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, Lạng Sơn vẫn còn một số khó khăn, thách thức mà địa phương cần phải giải quyết trong bản quy hoạch.

Theo đó, quy mô kinh tế của Tỉnh còn ở mức thấp so với cả nước và không có sự phát triển bứt phá trong giai đoạn 2011 - 2020, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn quốc, GRDP của Vùng và tỷ trọng có xu hướng giảm. Tăng trưởng GRDP của Tỉnh cả giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020 đều thấp hơn trung bình của Vùng và trung bình cả nước; nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Ảnh hưởng của yếu tố địa hình, “độ mở” và “tính liên kết” của nền kinh tế chưa tương xứng với vị trí chiến lược nằm trên các hành lang kinh tế lớn với hệ thống cửa khẩu trên bộ quan trọng nhất của cả nước trong kết nối với Trung Quốc. Kết cấu hạ tầng giao thông chưa được mở mang đúng hướng, đúng tầm; liên kết cửa khẩu chủ yếu là liên kết đường bộ, liên kết đường sắt chưa được đầu tư đúng mức khiến kinh tế cửa khẩu phát triển không bền vững, đối diện với nhiều rủi ro, thách thức; hạ tầng công nghiệp chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ thương mại còn hạn chế; hạ tầng thủy lợi chưa hoàn chỉnh gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Công tác quy hoạch tại khu kinh tế cửa khẩu còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa có định hướng thu hút đầu tư cũng như phân bổ nguồn lực đúng trọng tâm, trọng điểm; hàng hóa xuất khẩu chủ yếu dạng thô, chưa qua chế biến, giá trị gia tăng thấp; hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu không cao và phụ thuộc nhiều vào các chính sách về thương mại biên giới của Trung Quốc. Tình trạng thiếu vắng những dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao, do đó tiềm năng và động lực tăng trưởng trong thời gian tới là chưa thật rõ ràng.

Việc sử dụng đất chưa thật sự tiết kiệm và hiệu quả; tình trạng ô nhiễm môi trường đang là thách thức song hành cùng quá trình phát triển kinh tế; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục tăng thêm sẽ là thách thức lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường, tạo áp lực lớn cho hạ tầng và sự khó khăn trong việc bảm đảm anh ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc huy động các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Tiềm năng từ vị trí chiến lược trên các hành lang kinh tế, hệ thống cửa khẩu

Phát biểu tại Phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn khẳng định, việc triển khai xây dựng Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm định hướng phát triển của Tỉnh trong 10 năm, tầm nhìn 30 năm tới được Tỉnh ủy - HĐND - UBND Tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chính trị hàng đầu trong thời gian qua.

Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn. Ảnh: Trang Hậu

Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn. Ảnh: Trang Hậu

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn đánh giá, vị trí địa lý của Lạng Sơn có ý nghĩa rất quan trọng về mặt tự nhiên. Đây là cơ hội, điều kiện để Lạng Sơn thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế, cải thiện các lĩnh vực xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền biên giới quốc gia. Trong thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Lạng Sơn vẫn còn hạn chế, khó khăn trong phát triển nhanh và bền vững; kinh tế tăng trưởng nhưng chưa thực sự bền vững; phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thương hiệu, giá trị gia tăng cao còn hạn chế; công nghiệp chậm phát triển; số dự án thu hút đầu tư chủ yếu là dự án quy mô nhỏ; hoạt động du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng còn hạn chế; lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển...

Do đó, trong Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn định hướng đến năm 2030 trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, giữ vững quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được đảm bảo; là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc. Cơ cấu kinh tế của Tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng các ngành công nghiệp, dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng chính, ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả cao.

Đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số; quan hệ hợp tác tích cực với Trung Quốc và các khu công nghiệp lân cận, Lạng Sơn trở thành vùng đất xanh mới hấp dẫn đầu tư nước ngoài, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghiệp hóa và du lịch đẳng cấp thế giới. Lạng Sơn tiếp tục giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại, điểm trung chuyển trên bộ quan trọng hàng đầu trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước ASEAN…

Trở thành Thành phố biên giới xanh tiêu biểu

Theo Dự thảo Quy hoạch, Lạng Sơn định hướng giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại trên bộ quan trọng nhất của cả nước, là điểm trung chuyển trên bộ quan trọng nhất trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước Đông Nam Á. Lạng Sơn trở thành “thành phố biên giới xanh” với “khu đô thị cửa khẩu” thông qua việc mở rộng các dịch vụ cung cấp cho hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và chế xuất, thương mại nông sản nói riêng.

Để hiện thực hóa, Tỉnh sẽ khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ qua biên giới gắn với kinh tế cửa khẩu. Gắn kết các hoạt động du lịch của khu kinh tế cửa khẩu với tổng thể du lịch của Tỉnh. Hình thành và phát triển các kho bãi có sức chứa lớn, đa dạng về công năng tùy theo đặc tính thương phẩm và quy trình lưu thông của hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Hữu Nghị, Đồng Đăng, Tân Thanh và Chi Ma. Hình thành khu dịch vụ trạm nghỉ để phục vụ các lái xe tải đường dài từ các tỉnh phía Nam và các nước ASEAN đến Lạng Sơn.

Cùng với đó, định hướng phát triển tốt 5 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Đồng Đăng, Chi Ma và Bình Nghi. Cụ thể, phát triển cửa khẩu Hữu Nghị trở thành cửa khẩu ứng dụng công nghệ cao, là “mô hình điển hình” cho vận tải đường bộ của Việt Nam. Cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng hướng tới cung cấp chính các dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ thông minh, hiện đại tương xứng với sự phát triển của dịch vụ đường sắt các nước ASEAN. Phát triển kho bãi và dịch vụ logistics cho thương mại điện tử tại cửa khẩu Chi Ma.

Hoàn thành trình tự thủ tục theo quy định để báo cáo đề xuất Chính phủ quyết định nâng cấp cặp cửa khẩu Bình Nghi (Việt Nam) - Bình Nghi Quan (Trung Quốc) thành cửa khẩu song phương. Cửa khẩu Tân Thanh phát triển theo hướng trở thành trung tâm chế xuất nông sản và tiêu thụ hàng nông sản cho Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua sàn giao dịch nông sản. Tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng thành khu kinh tế tổng hợp, kết hợp phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác.

Chuyên đề