Quy hoạch phát triển ngành dược đến năm 2025: Tránh chồng chéo trong quản lý

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc phát triển ngành công nghiệp dược, nhưng cho đến nay, ngành này vẫn chưa phát huy được thế mạnh để cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
Các cơ sở sản xuất thuốc trong nước chủ yếu đầu tư dây chuyền sản xuất dạng bào chế đơn giản. Ảnh: Lê Tiên
Các cơ sở sản xuất thuốc trong nước chủ yếu đầu tư dây chuyền sản xuất dạng bào chế đơn giản. Ảnh: Lê Tiên

Do đó, Chính phủ cần sớm xây dựng các cơ chế, giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ngành dược có sự bứt phá và phải đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo với quy định pháp luật liên quan.

Thị trường dược phẩm tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị tăng từ 2,7 tỷ USD trong năm 2015 lên đến 3,6 tỷ USD vào năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) là 10,6%. Tuy vậy, Bộ Y tế cho rằng, sản xuất thuốc trong nước vẫn còn một số hạn chế. Các cơ sở sản xuất thuốc chủ yếu đầu tư dây chuyền sản xuất các dạng bào chế đơn giản, rất hạn chế đầu tư, áp dụng công nghệ để sản xuất các dạng bào chế hiện đại. Đầu tư trùng lắp, sản xuất thuốc có giá trị thấp, các dây chuyền sản xuất đơn giản, chủ yếu tập trung các loại thuốc thông thường và “nhái” mẫu mã gây hiện tượng “đạp giá” trên thị trường. Các thuốc biệt dược, thuốc chuyên khoa đặc trị với với dạng bào chế phức tạp phải nhập khẩu từ nước ngoài. Công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập...

Theo Bộ Y tế, một phần nguyên nhân là do thiếu sự hỗ trợ, định hướng của Nhà nước về vốn và đầu ra của sản phẩm; chính sách hỗ trợ phát triển thuốc generic chưa phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam; các cơ sở sản xuất thiếu vốn đầu tư...

Để khắc phục các tồn tại, Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Đề án phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm xây dựng các cơ chế, giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và bất cập hiện nay. Đồng thời từng bước đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phòng, chữa bệnh trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Đồng thuận với quan điểm trên, thế nhưng, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra một số điểm của Dự thảo Đề án chưa phù hợp và chồng chéo với các quy định khác.

Một trong những vấn đề đang gây ra nhiều tranh cãi về Dự thảo là liệu có sự chồng chéo về mặt quản lý trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu làm thuốc hay không, khi Bộ Công Thương cũng đang xây dựng một đề án trình Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp dược (bao gồm công nghiệp bào chế và công nghiệp hóa dược?

Dự thảo quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm “tổ chức sản xuất nguyên liệu hóa dược và các sản phẩm hỗ trợ sản xuất thuốc”. Trong khi đó, theo VCCI, quy định của pháp luật về dược, hoạt động sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ phải thực hiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và cơ quan quản lý về y tế sẽ cấp loại giấy phép này.

Giải trình thắc mắc này, Bộ Y tế cho biết, hai bộ này đã họp và có sự thống nhất. Theo đó, Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tập trung vào phát triển sản xuất thuốc, dược liệu phục vụ công nghiệp dược; còn Bộ Công Thương sẽ trình Đề án Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 tập trung vào phát triển công nghiệp hóa dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc.

Ngoài ra, theo ý kiến DN, Dự thảo không nên giới hạn riêng trong cấp giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy dược phẩm mà cần mở rộng ra cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp giấy phép xây dựng chung. Mặt khác, cần làm rõ giải pháp “sắp xếp chuyên môn hóa lại các nhà máy sản xuất thuốc generic để tránh trùng lặp”, bởi hoạt động sản xuất kinh doanh các loại sản phẩm (trừ các sản phẩm bị cấm) là quyền tự quyết của DN, Nhà nước không được quyền can thiệp vào vấn đề này.

Chuyên đề