Việc hỗ trợ lãi suất cần minh bạch, thống nhất nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã… phục hồi và phát triển. Ảnh: Lê Tiên |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư hướng dẫn Nghị định được xây dựng dựa trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, theo nguyên tắc quy định hoạt động tín dụng và từ kinh nghiệm triển khai gói hỗ trợ lãi suất năm 2009.
Tuy nhiên, về nguyên tắc hỗ trợ lãi suất, Khoản 5 Điều 3 Dự thảo Nghị định quy định: “Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày Nghị định này có hiệu lực đến ngày 31/12/2023”. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nội dung này chưa thống nhất với quy định tại Khoản 3 Điều 4: “Khoản vay được hỗ trợ là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 11/1/2022 đến ngày 31/12/2023”.
Bởi lẽ, sẽ có trường hợp khoản vay được giải ngân trong thời gian này nhưng kỳ trả lãi lại nằm sau thời điểm 31/12/2023 vẫn được hỗ trợ theo Điều 4, tuy nhiên lại không được hỗ trợ theo Điều 3. Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo làm rõ điểm này theo hướng chỉ hỗ trợ lãi suất đối với nghĩa vụ trả nợ lãi phát sinh trong khoảng thời gian được quy định.
Bên cạnh đó, VCCI cho biết, nhiều ý kiến của các ngân hàng thương mại (NHTM) băn khoăn về điều kiện của khách hàng vay vốn phải “có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi”. Đây là các tiêu chí khó đánh giá trên thực tế, đề nghị chuyển thành “có khả năng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh” để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của quy định.
Chia sẻ quan điểm về điều này, TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, ngân hàng cho vay hỗ trợ lãi suất chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ vay, “gánh” rủi ro của khoản vay, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ ở mức “duy trì” mà chưa hẳn có tiềm năng hồi phục thì có thể làm tăng thêm rủi ro nợ xấu. Do đó, cần hết sức cân nhắc. Đồng thời, các tiêu chí và điều kiện vay cần thật rõ ràng, minh bạch để đảm bảo công bằng trong thực thi.
Về trình tự, thủ tục tạm cấp bù lãi suất và quyết toán cấp bù lãi suất, một trong những quy định tại Điều 7 Dự thảo Nghị định nêu: “Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm cấp bù lãi suất quý của NHTM, Bộ Tài chính thực hiện tạm cấp bù lãi suất”.
Một số doanh nghiệp gửi ý kiến về VCCI cho rằng, nên cho phép các NHTM được tạm cấp bù lãi suất và quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng thông qua NHNN để thuận lợi hơn.
Theo đó, hiện hệ thống báo cáo thống kê của các NHTM đã được kết nối trực tiếp với NHNN, do đó việc quản lý thông tin khách hàng được hỗ trợ lãi suất được cập nhật kịp thời. Bên cạnh đó, các NHTM đều đã có tài khoản mở tại NHNN, việc thanh toán bù lãi suất sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các NHTM trong việc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đủ điều kiện. NHNN sẽ làm thủ tục quyết toán sau với Bộ Tài chính hoặc nhận tạm ứng trước từ Bộ Tài chính số tiền tổng cho toàn hệ thống NHTM.
NHNN là cơ quan cấp bộ quản lý trực tiếp các NHTM nên việc quản lý, theo dõi, quyết toán, đối chiếu, xử lý chênh lệch số liệu, thu hồi số tiền cấp bù lãi suất đối với các NHTM qua NHNN là hợp lý, hiệu quả hơn so với việc thực hiện trực tiếp giữa các NHTM và Bộ Tài chính theo các quy định từ Khoản 2 đến Khoản 5 Điều 7 Dự thảo Nghị định.
Hơn nữa, Điều 8 quy định trách nhiệm của NHNN là thanh tra, giám sát quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM, trong khi đó việc xử lý các vấn đề liên quan đến cho vay hỗ trợ lãi suất lại qua Bộ Tài chính sẽ dẫn đến chồng chéo, không hiệu quả. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp.
Các hoạt động hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình do NHTM thực hiện cần phải thống nhất, minh bạch và đơn giản, tạo thuận lợi cho việc triển khai chương trình này một cách rộng rãi và công bằng tới các đối tượng khách hàng.
Về vấn đề này, ông Linh cho rằng, việc thống nhất về một mối là cần thiết để giảm thủ tục phiền phức, giúp công tác hậu kiểm thuận lợi hơn, góp phần tăng hiệu quả triển khai chính sách.