Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất: Cân nhắc không làm hạn chế người tham gia đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau vụ đấu giá đất khu đô thị mới Thủ Thiêm (2 doanh nghiệp bỏ cọc, 2 doanh nghiệp vi phạm hợp đồng đấu giá), việc bổ sung quy định về đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ), đặc biệt là kiểm soát năng lực người tham gia đấu giá nhận được nhiều sự quan tâm. Theo một số góp ý, việc quy định chặt chẽ điều kiện năng lực của người tham gia đấu giá đất là cần thiết để hạn chế các hành vi không lành mạnh, song cần cân nhắc để không làm hạn chế người tham gia đấu giá.
Có ý kiến cho rằng cần bổ sung điều kiện chứng minh nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá đủ năng lực tài chính nộp tiền trúng đấu giá. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Có ý kiến cho rằng cần bổ sung điều kiện chứng minh nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá đủ năng lực tài chính nộp tiền trúng đấu giá. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa ra lấy ý kiến, tổ chức tham gia ĐGQSDĐ phải đáp ứng đủ một số điều kiện. Đó là, thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai; có vốn thuộc sở hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên, có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất; ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác; phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá để đảm bảo năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt.

Hội Đấu giá viên TP. Hà Nội cho rằng, cần bổ sung điều kiện chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá đáp ứng đủ khả năng nộp tiền trúng đấu giá. Việc chứng minh bằng tài sản hiện có của doanh nghiệp là tiền mặt đáp ứng đủ cho các dự án đang thực hiện và dự án đăng ký tham gia đấu giá. Đồng thời, báo cáo tài chính 2 năm gần nhất phải có lãi tối thiểu bằng 20% mức đầu tư của dự án.

Bên cạnh đó, khi nhà đầu tư, doanh nghiệp không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định, cần có chế tài cấm tổ chức, doanh nghiệp đó, công ty con (là công ty do tổ chức, doanh nghiệp đó góp vốn hoặc cổ đông trong hội đồng quản trị của tổ chức, doanh nghiệp trúng đấu giá góp vốn) không được tham gia đấu giá các dự án bất động sản trong vòng 5 năm để đảm bảo tính răn đe, nghiêm túc trong quá trình tham gia đấu giá.

Để chặt chẽ hơn, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, cần quy định cụ thể việc nhà đầu tư phải có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất, hoặc có báo cáo khả thi đầu tư xây dựng dự án tại khu đất đấu giá được đơn vị tư vấn đầu tư độc lập thẩm định tính khả thi.

Trên thực tế, khi thẩm định điều kiện tham gia ĐGQSDĐ tại một số địa phương, bên có tài sản, hội đồng thẩm định điều kiện tham gia đấu giá thường gặp khó khăn trong việc xác định năng lực tài chính của nhà đầu tư, việc xác định vốn chủ sở hữu còn chưa rõ ràng. Do vậy, UBND tỉnh Bắc Kạn đề nghị, quy định về điều kiện của tổ chức tham gia ĐGQSDĐ nên tham khảo một số quy định tại Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

Về tiền đặt trước, UBND tỉnh Hải Dương nêu quan điểm, đề nghị bổ sung thêm quy định, tiền đặt trước được tính thành tiền sử dụng đất mà người trúng đấu giá phải nộp. Ngoài ra, cần bổ sung thêm trường hợp người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước nếu vi phạm các quy định dẫn tới bị hủy kết quả trúng đấu giá; không nộp hoặc nộp không đủ tiền sử dụng đất theo thông báo của cơ quan thuế.

Ở góc nhìn khác, một số địa phương như TP.HCM, An Giang cho rằng, việc quy định chặt chẽ điều kiện của tổ chức tham gia ĐGQSDĐ là cần thiết, song nếu quy định về tài sản bảo đảm, kinh nghiệm quá cứng nhắc có thể làm hạn chế quyền tham gia đấu giá của các tổ chức, doanh nghiệp, không có lợi cho cuộc đấu giá.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, Bộ đã nhận được ý kiến góp ý của 12/21 bộ, ngành; 37/63 địa phương, 2 hiệp hội… và ý kiến của một số doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định đã được tiếp thu nhiều ý kiến góp ý, gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Chuyên đề