Quốc tế xoay chuyển tình thế năm 2023, cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng kinh tế chậm lại, áp lực lạm phát dai dẳng, khả năng suy thoái lan rộng… là những dự cảm kém tươi sáng cho bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023. Bài viết chia sẻ một số chính sách mới của 10 nền kinh tế lớn, với kỳ vọng xoay chuyển tình thế năm 2023 cho tương lai kinh tế tiếp tục phát triển.

Mỹ

Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) dự báo, GDP thực tế của Mỹ sẽ chỉ tăng 0,5% vào năm 2023 và 1,0% vào năm 2024. Lạm phát cao và điều kiện tài chính thắt chặt sẽ tiếp tục làm xáo trộn các kế hoạch chi tiêu trên toàn nền kinh tế. Với sự chậm lại của hoạt động sản xuất trong nước, nhu cầu lao động và tăng trưởng tiền lương tại Mỹ sẽ suy yếu.

Tháng 8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), có hiệu lực vào tháng 1/2023. Giải pháp này nhằm giúp chống lại lạm phát và giảm giá năng lượng, cũng như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo luật này, Mỹ sẽ dành ưu đãi về thuế cho các công ty đầu tư vào năng lượng sạch, trợ cấp đáng kể cho các dự án xe điện, pin và các dự án năng lượng tái tạo trong nước. Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục thực hiện Đạo luật Việc làm và Đầu tư kết cấu hạ tầng (IIJA) sẽ thúc đẩy đầu tư công lên cao hơn trong năm 2023 và những năm tới.

Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tiếp tục quan điểm thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với sự gia tăng của lạm phát. Lãi suất quỹ liên bang hiện ở mức 4,25 - 4,5%, mức cao nhất trong 15 năm. 17/19 quan chức của FOMC cho rằng, lãi suất quỹ liên bang sẽ vượt 5% trong năm 2023 - một tín hiệu cho thấy Mỹ vẫn theo đuổi cuộc chiến chống lạm phát dù giá tiêu dùng đã tăng chậm lại trong những tháng gần đây.

Một ưu tiên khác của Chính phủ Mỹ là tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, do tình trạng thiếu năng lượng toàn cầu và mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trung Quốc

Tại Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương thường niên tháng 12/2022, lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra nhiều đường hướng cho phát triển kinh tế trong năm 2023. Theo đó, chính phủ nước này sẽ tập trung vào việc ổn định nền kinh tế thông qua các chính sách tài khóa chủ động, kiểm soát nợ công chính quyền địa phương, nới lỏng chính sách tiền tệ, phát hành trái phiếu hỗ trợ kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung bảo đảm tăng trưởng của khu vực tư nhân; thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng thu nhập người dân thành thị, ổn định thị trường bất động sản, cam kết hỗ trợ nhu cầu nhà ở mạnh mẽ; tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Tại Hội nghị, Chính phủ Trung Quốc cũng kêu gọi đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, công nghệ xanh - carbon thấp.

Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết, thông qua các công cụ tài chính, việc Trung Quốc đầu tư 106 tỷ USD vào 2.700 dự án từ tháng 12/2022 sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2023.

Nhật Bản

Cuối tháng 10/2022, Nội các Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế có tổng trị giá 71.600 tỷ Yên (hơn 490 tỷ USD) nhằm giảm bớt tác động của tình trạng giá cả hàng hóa leo thang tới các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế nước này. Trong đó, tổng chi tiêu công lên tới 39.000 tỷ Yên; phần còn lại là các khoản chi của khu vực tư nhân.

Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ hỗ trợ 7 Yên/kWh điện tiêu thụ cho các hộ gia đình và 3,5 Yên/kWh cho các doanh nghiệp, bên cạnh việc hỗ trợ 30 Yên/m3 khí đốt tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi tháng, bình quân một hộ gia đình ở Nhật Bản sẽ được hỗ trợ khoảng 2.800 Yên tiền điện và khoảng 900 Yên tiền khí đốt.

Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản gia hạn chương trình trợ cấp cho các nhà nhập khẩu và bán buôn nhiên liệu nhằm giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước năm 2023. Tuy nhiên, mức trợ cấp sẽ giảm từ tháng 6/2023.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Đức

Theo OECD, kinh tế Đức dự kiến sẽ giảm 0,3% vào năm 2023 và phục hồi 1,5% vào năm 2024. Khả năng bấp bênh của nền kinh tế ở mức cao trong bối cảnh giá năng lượng biến động mạnh. Trong khi đó, lạm phát cao đang làm giảm thu nhập thực tế và tiết kiệm, bên cạnh việc làm giảm chi tiêu khu vực tư nhân.

Thâm hụt ngân sách được dự báo sẽ gia tăng từ mức tương đương 2,5% GDP trong năm 2022 lên 3,25% GDP năm 2023, do các khoản chi lớn để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Ngày 15/12/2022, Hạ viện Đức đã thông qua dự luật trị giá ước tính 100 tỷ Euro (106,14 tỷ USD), nhằm hạn chế tiền điện và khí đốt cho các hộ gia đình và doanh nghiệp kể từ tháng 1/2023.

Cụ thể, đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, giá khí đốt sẽ giới hạn ở mức 12 cent/kWh và điện ở mức 40 cent/kWh cho 80% lượng sử dụng dựa trên mức tiêu thụ của năm ngoái. “Phanh giá” năng lượng này sẽ được áp dụng từ tháng 3/2023 đến tháng 4/2024.

Anh

Tháng 11/2022, Chính phủ Anh công bố kế hoạch tài chính trung hạn - hay còn được gọi là Tuyên bố mùa Thu - với các biện pháp thắt chặt chi tiêu công lên tới 55 tỷ Bảng Anh (64,8 tỷ USD) nhằm phục hồi kinh tế và giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân.

Theo các biện pháp trong Tuyên bố mùa Thu, Chính phủ Anh sẽ “giảm hơn một nửa” tiền vay mượn so với dự báo của Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh (OBR) và công bố hai quy tắc tài chính mới: nợ tiềm ẩn phải giảm theo tỷ lệ phần trăm của GDP trong vòng 5 năm và vay của khu vực công phải dưới 3% GDP. Tổng số tiền thắt chặt tài khóa khoảng 55 tỷ Bảng Anh, được chia gần như bằng nhau giữa tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công.

Năng lượng, hạ tầng và đổi mới sẽ là những lĩnh vực được Anh ưu tiên, với việc sẽ tiến hành xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới, tăng gấp đôi đầu tư vào hiệu quả năng lượng của các hộ gia đình và ngành công nghiệp lên mức 6 tỷ Bảng Anh từ năm 2025.

OBR cho biết, tăng trưởng GDP đạt mức 4,2% trong năm 2022, dự kiến sẽ giảm xuống 1,4% vào năm 2023, nhưng sẽ tăng 1,3% vào năm 2024; tăng 2,6% vào năm 2025 và 2,7% vào năm 2026. Trong năm tài chính 2022 - 2023, OBR ước tính các khoản vay ngân sách của Anh sẽ ở mức 7,1% GDP, tương đương 177 tỷ Bảng Anh.

Ấn Độ

Trong năm tài khóa 2022 - 2023, Ấn Độ được coi là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) với mức tăng 6,6%, bất chấp nhu cầu toàn cầu sụt giảm và làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát tại nhiều quốc gia.

Theo OECD, tăng trưởng GDP của Ấn Độ được dự báo đạt 5,7% trong năm tài khóa 2023 - 2024 do xuất khẩu và nhu cầu trong nước tăng trưởng ở mức vừa phải. Con số này của năm tài khóa 2024 - 2025 dự báo sẽ là 6,9% khi các điều kiện toàn cầu được cải thiện.

Trong cuộc chiến chống lạm phát, chính sách tiền tệ của quốc gia này được bổ sung bằng việc cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và một loạt các biện pháp do Chính phủ thực hiện, chẳng hạn: cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì, đường và gạo tấm; đánh thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại gạo không phải là giống lúa Basmati.

Cùng với đó, mở rộng chi tiêu cho hạ tầng, như đường cao tốc và đường sắt, chiếm vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của Chính phủ Ấn Độ. Giữa tháng 10/2022, Ấn Độ đã thiết lập kế hoạch “Sức mạnh của tốc độ” hay còn gọi là "PM Gati Shakti" (trong tiếng Hindi), với hy vọng cải thiện các dự án hạ tầng thông qua công nghệ, để các công ty toàn cầu nhắm đến Ấn Độ là mục tiêu của trung tâm sản xuất quốc tế.

Pháp

Xuất hiện trên truyền hình quốc gia TF1 đầu tháng 12/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh nước này sẽ thực sự phải đương đầu với rất nhiều khó khăn trong năm 2023. Tổng thống Macron nhận định đó sẽ là quãng thời gian “khó khăn trong lịch sử của đất nước do sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu” và hy vọng “sự phục hồi sẽ đến vào năm 2024”.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay và 0,7% trong năm tới. Triển vọng nền kinh tế của Pháp được dự báo không sáng sủa do các nguyên nhân như xung đột Nga - Ukraine, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và giá năng lượng tăng cao.

Chính sách tài khóa của Pháp duy trì trung lập trong năm 2023 và chuyển dần sang thắt chặt vừa phải vào năm 2024. Để đối phó với tình trạng giá năng lượng và hàng hóa tăng cao liên tục, Chính phủ Pháp đã hạn chế trần tăng giá điện, “đóng băng” giá khí đốt trong năm 2022, tăng chương trình trợ cấp tiêu thụ năng lượng đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và công bố bổ sung các khoản trợ cấp thử nghiệm một lần vào năm 2022 - 2023. Chính phủ cũng cắt giảm thuế nhiên liệu đường bộ cho đến cuối năm 2022, tăng trợ cấp có điều kiện cho doanh nghiệp, tăng phúc lợi xã hội và tiền lương trong khu vực công, đồng thời hạn chế tăng tiền thuê nhà vào năm 2023.

Ý

OECD dự báo, tăng trưởng GDP thực tế của Ý đạt 3,7% vào năm 2022, sau đó giảm xuống 0,2% vào năm 2023 và tăng lên 1% vào năm 2024. Giá năng lượng cao sẽ là lực cản đối với sản xuất trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, đồng thời làm giảm thu nhập thực tế do lạm phát cao, lãi suất tăng và thị trường xuất khẩu tăng trưởng yếu sẽ làm chậm tăng trưởng nhu cầu. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên và tỷ lệ tham gia thị trường lao động giảm, với việc làm sẽ giảm vào năm 2023.

Cuối tháng 11/2022, Chính phủ của tân Thủ tướng Giorgia Meloni đã thông qua dự thảo ngân sách năm 2023 với kế hoạch chi tiêu 35 tỷ Euro (35,8 tỷ USD) để thúc đẩy nền kinh tế. Trong đó, khoảng 21 tỷ Euro sẽ được sử dụng để giúp các công ty và hộ gia đình thanh toán tiền điện và khí đốt.

Trong nỗ lực giúp các gia đình đối mặt với lạm phát leo thang, nội các nước này cắt giảm một nửa thuế VAT đối với một số mặt hàng thiết yếu như sữa, bánh mỳ, các sản phẩm dành cho trẻ em.

Một phần của kế hoạch ngân sách bao gồm cắt giảm thuế cho người tự kinh doanh bằng cách mở rộng mức thuế 15% cho những người có thu nhập hàng năm 85.000 Euro thay vì mức 65.000 Euro hiện nay và giảm tuổi nghỉ hưu xuống 62, với điều kiện các cá nhân đã đóng góp ít nhất 41 năm.

Brazil

Tăng trưởng kinh tế Brazil được dự báo đạt 1,2% vào năm 2023 và 1,4% vào năm 2024. Tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng quý được dự báo sẽ chậm lại vào năm 2023.

Ngân hàng Trung ương Brazil dự kiến sẽ duy trì lãi suất chính sách ở mức 13,75% cho đến giữa năm 2023, với lý do "lạm phát tiêu dùng vẫn ở mức cao", cùng với đó là môi trường bên ngoài "bất lợi và không ổn định" cũng như "sự không chắc chắn" về cơ cấu tài khóa của nước này trong thời gian tới. Bắt đầu từ giữa năm 2023, lãi suất chính sách dự kiến sẽ giảm xuống 10% vào cuối năm 2024.

Brazil hiện đang thảo luận về dự luật ngân sách do Tổng thống đắc cử Luiz Inácio Lula da Silva đề xuất, trong đó nhà lãnh đạo này dự định tăng đầu tư xã hội và nâng trần chi tiêu công.

Canada

Giống như các ngân hàng trung ương khác, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã tích cực tăng lãi suất trong năm vừa qua để thiết lập sự ổn định giá cả, hướng tới mục tiêu lạm phát 2%. Các đợt tăng lãi suất liên tiếp của BoC đã và đang siết chặt nền kinh tế nước này, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như thị trường nhà đất.

Theo Bản cập nhật kinh tế mùa Thu được Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland công bố hồi đầu tháng 11/2022, nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2023 và thâm hụt ngân sách liên bang trong tài khóa này sẽ ở mức 36,4 tỷ CAD (26,4 tỷ USD), ghi dấu một bước cải thiện so với mức dự báo thâm hụt 52,8 tỷ CAD trong ngân sách công bố hồi tháng 4.

Tuy nhiên, Bản cập nhật cũng đề cập đến một kịch bản "đi xuống", trong đó nền kinh tế rơi vào suy thoái vào năm 2023. Báo cáo này cũng bao gồm kế hoạch đánh thuế đối với hoạt động mua lại cổ phần, các chính sách ưu đãi lớn dành cho đầu tư năng lượng xanh, cùng các chương trình hỗ trợ sinh viên và người lao động có thu nhập thấp.

Theo đó, tất cả các khoản cho vay dành cho sinh viên và người học việc của Canada sẽ không tính lãi suất. Đáng chú ý, các biện pháp mới liên quan đến thúc đẩy đầu tư kinh doanh có trị giá lên tới 10,9 tỷ CAD trong vòng 6 năm. Bộ Tài chính Canada dự kiến sẽ tham khảo ý kiến về miễn, giảm thuế đầu tư cho hydro sạch.

Chuyên đề