Quốc hội tiếp tục xem xét kỹ lưỡng chất lượng Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng ngày 5/1, ngay sau phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục bàn về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là một trong những nội dung dự kiến được Quốc hội thảo luận, xem xét để biểu quyết thông qua tại kỳ họp lần này.
Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV

Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV

Bàn về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Dự án Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 2 kỳ họp trước. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cân nhắc thận trọng, toàn diện, quyết định điều chỉnh thời điểm xem xét, thông qua Dự án sang kỳ họp kế tiếp để có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp tục làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy định, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa tạo sự phát triển ổn định, lâu dài ngành y tế, không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.

Với sự chuẩn bị tích cực, khẩn trương của các cơ quan, đến thời điểm này, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Dự án Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, cũng như rà soát, tiếp thu, chỉnh lý về từ ngữ, văn phong, kỹ thuật lập pháp ở hầu hết các điều, khoản của Dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật gồm có 12 Chương, 121 Điều, tăng 3 Chương (Chương VI, VII, XI) và 30 Điều so với Luật hiện hành.

Qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, Dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra. Đó là thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB); tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở KCB của Nhà nước và tư nhân; khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động KCB...

Dự thảo Luật có 9 nhóm điểm mới liên quan đến người bệnh; người hành nghề KCB; cơ sở KCB; chuyên môn kỹ thuật; hệ thống tổ chức cơ sở KCB; tài chính tại các cơ sở KCB; bổ sung quy định về hệ thống thông tin về quản lý hoạt động KCB, về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở KCB và an toàn cho người làm việc tại cơ sở KCB, thiết bị y tế; về huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác KCB trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp và các quy trình, thủ tục được quy định theo hướng cải cách thủ tục hành chính.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm tập trung thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề về Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hành nghề KCB; giấy phép hoạt động của cơ sở KCB; tiêu chí, điều kiện, các yêu cầu bảo đảm đối với từng cấp chuyên môn kỹ thuật, căn cứ để phân cấp chuyên môn kỹ thuật và chuyển đổi, phân cấp các cơ sở KCB; tài chính và chế độ tự chủ tài chính, giá dịch vụ KCB và hoạt động xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội; phương thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục; quy định về chuyên môn kỹ thuật; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ nhân viên y tế trong cơ sở KCB; lộ trình thực hiện và điều khoản thi hành Luật...

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đã tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Tại kỳ họp lần trước, Dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung còn có ý kiến khác nhau nên được đề nghị lùi lại vào kỳ họp cuối năm này. Về cơ bản, đến nay, Dự thảo Luật đã đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, nên thông qua tại thời điểm này. Tuy nhiên, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét kỹ lưỡng Dự thảo Luật, nếu vẫn còn nội dung chưa thống nhất được thì sẽ không thể thông qua ngay.

Chuyên đề