Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh và thành phố

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 13/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, sau khi nghe giải trình, tiếp thu, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
Các đại biểu nhấn nút biểu quyết
Các đại biểu nhấn nút biểu quyết

Cụ thể, với 442/477 (chiếm 88,58%) tổng số đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; 430/467 (chiếm 86,17%) tổng số đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; 414/462 (chiếm 82,97%) tổng số đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; 436/470 (chiếm 87,37%) tổng số đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An gồm 6 cơ chế, chính sách và tỉnh Thanh Hóa gồm 8 cơ chế, chính sách. Các Nghị quyết nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

Báo cáo giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, một số ý kiến cho rằng việc ban hành cơ chế đặc thù đối với các tỉnh trên cần cân nhắc để bảo đảm công bằng với các địa phương khác.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng thí điểm cho các tỉnh, thành trên đều đã được các Nghị quyết của Bộ Chính trị quán triệt. Vì vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống.

Về căn cứ thực tiễn, cơ chế đặc thù đang được áp dụng đối với các TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội. Qua sơ kết đánh giá, các cơ chế này đã và đang phát huy tác dụng tích cực, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN), tạo tác động lan tỏa vùng miền.

Các tỉnh, thành được lựa chọn là các địa phương có đặc thù về địa lý, dân số, lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế. Thừa Thiên Huế là cố đô có bề dày lịch sử, đặc thù văn hóa song năng lực tài chính rất hạn chế. Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, một trong những đầu tàu kinh tế nhưng với cơ chế chỉ như các tỉnh, thành khác thì sẽ khó phát huy thế mạnh, nhất là kinh tế biển.

Thanh Hóa, Nghệ An là các tỉnh có diện tích đất rộng, dân số đông, có tiềm năng nhưng chưa có cơ chế bứt phá.

Chuyên đề