Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng ngày 21/5/2020 (ảnh: QH) |
Đó là các vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa); nghĩa vụ của doanh nghiệp (Điều 8); người đại diện theo pháp luật (Điều 12); quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp (Điều 17); thông báo mẫu dấu của doanh nghiêp (Điều 43); doanh nghiệp nhà nước...
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tại Quốc hôi nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật này. Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, tại Tờ trình số 533/TTr-CP, Chính phủ đã khẳng định tiếp tục sửa đổi toàn diện Luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát kỹ các quy định của Dự thảo Luật với các luật có liên quan, nhằm bảo đảm nguyên tắc áp dụng pháp luật đã quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như sự đồng bộ của hệ thống pháp luật khi Luật này có hiệu lực. Với những vấn đề quy định khác với các luật khác đã được quy định rõ ngay trong từng điều khoản của Dự thảo Luật để tránh phát sinh các xung đột trong áp dụng pháp luật. Đồng thời, đối với các quy định liên quan đến điều khoản chuyển tiếp, Dự thảo Luật dự kiến cụ thể các điều khoản sửa đổi, bổ sung tại các luật có liên quan và lộ trình sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 10 chương, 219 điều. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo số 73/BC-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật.