Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, thế mạnh như cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản, là vùng đất giao thoa của nhiều nền văn hóa... |
Kỳ vọng đó được thể hiện rõ qua chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành với Báo Đấu thầu.
Thưa ông, những nền tảng phát triển đã được Quảng Ninh tạo dựng thế nào trong thời gian qua?
Nhiệm kỳ vừa qua là một giai đoạn phát triển với nhiều đổi mới và đột phá của Quảng Ninh. Cả một quá trình chuẩn bị một cách bài bản, với những giải pháp căn cơ, đồng bộ, quyết tâm chính trị và sự đồng thuận xã hội cao, cho đến nay, tỉnh Quảng Ninh có thể tự hào đánh giá Quảng Ninh đã đạt được những kết quả hết sức phấn khởi.
Vậy bên cạnh lợi thế tĩnh ấy, yếu tố nào là lợi thế động? Chính từ việc đi tìm lời giải cho câu trả lời này mà tỉnh Quảng Ninh đã thực sự có những định vị mới với chiến lược mới trong hành trình phát triển đúng hướng, phù hợp với xu thế chung.
Cụ thể, Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chính sách đột phá. Đầu tiên phải nhắc đến là đi đầu về cải cách hành chính, với mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công gắn với xây dựng chính quyền điện tử; 100% số thủ tục hành chính được tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại Trung tâm; thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm gần 50% so với quy định; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4,...
Tiếp đó, là mô hình Cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND Tỉnh, là cơ quan đầu mối duy nhất thực hiện nhiệm vụ mời gọi đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư từ khi có ý tưởng đầu tư tới hoàn thành thủ tục đầu tư và phát triển dự án, bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, với quy trình được thay đổi theo hướng từ trên xuống thay vì từ dưới lên như trước đây.
Cần khẳng định rằng, một trong những điều tạo sự đột phá cho Quảng Ninh chính là tinh thần đồng lòng, đoàn kết, thống nhất ý chí cao từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở trên quan điểm nói đi đôi với làm. Minh chứng rõ nhất của việc này được thể hiện qua việc thực hiện chỉ số DDCI (Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh) để đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương mà Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện, thông qua đó góp phần truyền ngọn lửa cải cách đến các sở, ngành, địa phương.
Về thực hiện 3 đột phá chiến lược, Tỉnh đã rất quyết liệt trong việc dành nguồn lực đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt chú trọng làm đường cao tốc. Không chỉ vậy, Quảng Ninh còn mạnh dạn báo cáo Thủ tướng cho phép làm thí điểm mô hình đối tác công tư trước khi có Nghị định 15/2015/NĐ-CP. Cũng xin nói rõ thêm, hiện nay trong cả nước, chưa có địa phương nào dành nguồn thu của tỉnh mình để đầu tư đường cao tốc như Quảng Ninh. Đến năm 2020, Quảng Ninh có thể làm xong toàn bộ hệ thống đường cao tốc nối từ cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến Hải Phòng, kết nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội.
Cùng với hệ thống đường bộ, hệ thống cảng biển được đầu tư, đảm bảo kết nối giao thông thuận tiện nhất. Đặc biệt, bằng hình thức PPP, Tỉnh đã mời được nhà đầu tư thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, gắn kết với sự phát triển của đặc khu kinh tế trong tương lai.
Không chỉ tập trung đầu tư phát triển kinh tế, mà các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao… Tỉnh cũng kêu gọi được nhiều nhà đầu tư lớn, góp phần phát triển toàn diện, theo phương châm xây dựng Quảng Ninh thành nơi cần đến và nơi đáng sống...
Để tạo được đột phá như kỳ vọng, định hướng phát triển và thu hút đầu tư trong thời gian tới của Tỉnh sẽ chú trọng vào những lĩnh vực nào, thưa ông?
Định hướng phát triển và thu hút đầu tư trong thời gian qua cũng như sắp tới của Quảng Ninh chính là câu chuyện đổi mới mô hình tăng trưởng mà Tỉnh đã sớm nhìn nhận ra để có quyết sách, chiến lược chuyển hướng đúng đắn đã và đang thực hiện hiệu quả. Đơn cử, trong nhiều năm qua, số thu từ ngành công nghiệp khai khoáng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu ngân sách của Tỉnh. Trong khi đó, Quảng Ninh lại có lợi thế lớn về phát triển du lịch. Bài toán đặt ra là làm thế nào để vừa khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản vừa phát huy triệt để tài nguyên du lịch. Đây vừa là mâu thuẫn phát triển song cũng chính là cơ hội để Quảng Ninh vượt lên chính mình, tạo những dấu ấn mới của một thời kỳ mà yêu cầu phát triển bền vững đi đôi với tăng trưởng xanh là xu thế chung, tất yếu.
Theo đó, Tỉnh đã giải quyết tốt bài toán khó này. Đó là, ngành than vẫn phát triển nhưng hướng vào khai thác hầm lò, hạn chế khai thác lộ thiên. Các điểm khai thác than đang dần chuyển dịch ra xa trung tâm du lịch, trung tâm thành phố...
Ngành dịch vụ, du lịch, thương mại được chú trọng, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, với mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, phấn đấu đến năm 2020, Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong công tác thu hút, mời gọi nhà đầu tư, Tỉnh cũng định hướng mạnh vào dịch vụ, phát triển các cơ sở nhà hàng, khách sạn cao cấp, các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Công viên Đại dương Hạ Long, Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long… đã góp phần làm phong phú các hoạt động dịch vụ, du lịch, tăng sức hấp dẫn và lưu giữ du khách dài ngày hơn.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, Tỉnh định hướng thu hút mạnh vào công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao. Theo đó, Khu công nghiệp (KCN) Đông Mai, KCN - dịch vụ Đầm Nhà Mạc đang mời gọi được các nhà đầu tư lớn đến từ Trung Đông, Thái Lan... Đặc biệt, Tập đoàn Amata (Thái Lan) có kế hoạch đầu tư thành phố công nghiệp trong KCN - dịch vụ Đầm Nhà Mạc theo mô hình 3 trong 1 (công nghiệp, thành phố thông minh và trung tâm thương mại dịch vụ) đã thành công ở rất nhiều quốc gia.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường...
Thưa ông, Tỉnh còn gì vướng mắc trên con đường thực hiện mục tiêu phát triển của mình?
Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái và KKT Vân Đồn được xác định là 2 mũi đột phá chiến lược trong quy hoạch phát triển của Quảng Ninh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Tỉnh đã chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách cho 2 khu này từ năm 2012 khi lập các Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Khi Vân Đồn có được những cơ chế, chính sách đột phá, chắc chắn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa rộng lớn. Những năm qua, chính việc chuẩn bị nền tảng để đón đầu khi Vân Đồn trở thành “Khu hành chính - kinh tế đặc biệt” đã tạo sức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, nhiều dự án động lực quan trọng đã được đầu tư.
Nhìn từ câu chuyện Vân Đồn cho thấy, yêu cầu của sự phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá mạnh mẽ theo kịp xu thế phát triển của thế giới rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương để sớm hình thành mô hình phát triển mới, với thể chế, cơ chế chính sách cạnh tranh ở mức cao nhất, nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển.