Quảng Ngãi đầu tư hạ tầng để tạo đà bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đang được các nhà thầu ngày đêm thi công để kịp khớp nối, đồng bộ cùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường ven biển, Quốc lộ 1, cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum. Các dự án này sẽ như những cánh tay nối dài vẫy gọi sản vật từ vùng đất Tây Nguyên băng đèo về cảng biển, sân bay, bến tàu, ga hàng hóa, hỗ trợ thiết thực cho Quảng Ngãi tạo lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư, hình thành và khai thác dịch vụ logictics.
Một số đoạn tuyến của Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh thành phần IIb đã thảm bê tông nhựa. Ảnh: Minh Hạnh
Một số đoạn tuyến của Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh thành phần IIb đã thảm bê tông nhựa. Ảnh: Minh Hạnh

Mở đường kết nối

Dung Quất và Sa Huỳnh, hai trung tâm kinh tế lớn ở đầu Bắc Nam của Quảng Ngãi cách xa nhau hơn 100 km. Để kéo hai địa phương xích lại gần nhau, cùng TP. Quảng Ngãi tạo thành liên kết các trung tâm đô thị, kinh tế, xã hội và tăng lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư, đẩy mạnh khai thác kinh tế biển, mở rộng không gian đô thị, Quảng Ngãi đang đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh.

Trong đó, Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa, thành phần 1 dài 13,28 km đi qua các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và TP. Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2019 - 2024. Hiện nay, các nhà thầu đã hoàn thành khối lượng công việc hơn 442 tỷ đồng. Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb qua địa bàn huyện Bình Sơn, TP. Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức (tổng mức đầu tư 899,435 tỷ đồng) đến nay giá trị thực hiện đạt hơn 358 tỷ đồng.

Ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi (Ban Giao thông) cho biết, các nhà thầu đang rất nỗ lực thi công để cùng địa phương hoàn thành mục tiêu đầu tư của hai dự án thành phần này nhằm hình thành trục dọc ven biển, gắn kết các khu kinh tế, khu công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; tạo điều kiện hình thành và phát triển các khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng ven biển…

Song song với đầu tư tuyến Dung Quất - Sa Huỳnh, Quảng Ngãi đang đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Cầu và đường nối từ trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh đến huyện Tư Nghĩa (cầu Trà Khúc 3) dài 2,6 km, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng. Hiện Gói thầu Xây lắp đã thực hiện khối lượng khoảng 500 tỷ đồng, tương ứng 69% giá trị hợp đồng, vượt tiến độ đề ra. Dự án này sẽ góp phần quan trọng hoàn thành kết nối tuyến Quộc lộ 24B, đường tỉnh ĐT.623B, cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1, hình thành mạng lưới giao thông kết nối liên khu vực từ trung tâm huyện Sơn Tịnh đến huyện Tư Nghĩa.

Ngoài ra, Dự án Đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong dài 4,825 km (tuyến chính); 1,29 km (tuyến nhánh) cũng đang được tích cực triển khai. Dự án có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng thực hiện từ 2019 - 2024 nhằm mục đích giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1, đường Nguyễn Văn Linh nối từ Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP đến cầu Trà Khúc (cũ) vào trung tâm TP. Quảng Ngãi, góp phần mở rộng không gian đô thị Quảng Ngãi.

Cuối tháng 12/2023, Dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng sẽ được khởi công. Công trình có tổng chiều dài tuyến 26,88 km, qua huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP. Quảng Ngãi. Dự án này sẽ tạo ra quỹ đất rộng lớn cho phát triển công nghiệp, kết nối từ sân bay Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất đến TP. Quảng Ngãi và các địa phương phía Nam; đồng thời, tạo thành hành lang phát triển kinh tế chủ đạo, động lực để thu hút đầu tư và khai thác tiềm năng phát triển kinh tế đối với khu vực phía Đông của các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP. Quảng Ngãi...

Định hình trung tâm logistics

Theo thống kê, khối lượng vận chuyển hàng hóa của Quảng Ngãi năm 2019 đạt hơn 13 triệu tấn, tăng hơn 66% so với năm 2015, nằm trong nhóm khá. Tuy nhiên, xét về khối lượng vận chuyển qua địa bàn, khoảng cách giữa Quảng Ngãi và các tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung còn khá xa, như Đà Nẵng (hơn 35 triệu tấn), Quảng Nam (hơn 19 triệu tấn), Bình Định (hơn 23 triệu tấn), Khánh Hòa (hơn 25 triệu tấn), Hà Tĩnh (hơn 37 triệu tấn), Quảng Bình (hơn 23 triệu tấn), Nghệ An (hơn 100 triệu tấn).

Dù vậy, đánh giá về tiềm năng phát triển logistics, Quảng Ngãi đang chiếm ưu thế do sở hữu vị trí thuận lợi trên các trục kinh tế Bắc - Nam, trục kinh tế Đông - Tây kết nối khu vực biển Đông - Đông Nam Á, có khả năng kết nối nội tỉnh, ngoại tỉnh và quốc tế với hạ tầng giao thông đối nội, đối ngoại sẵn có. Trong đó, về đường bộ, Quảng Ngãi có hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1 dọc theo xương sống và qua các địa bàn trọng điểm về kinh tế của Tỉnh, có hệ thống Quốc lộ 24 kết nối chiều Đông - Tây. Ngoài ra, khi tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh được hình thành sẽ tạo ra một động lực mới để thúc đẩy giao thông đường bộ. Về đường biển, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Danh mục cảng biển Việt Nam, Quảng Ngãi được xếp vào nhóm cảng biển loại I với khu bến Dung Quất có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải đến 50.000 tấn; tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải lên đến 200.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, lớn nhất trong các cảng trong khu vực.

Về hàng không, Quảng Ngãi được hưởng lợi từ Cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam). Trong Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chu Lai được quy hoạch là một trung tâm logistics, trung tâm sửa chữa tàu bay nội địa gắn với căn cứ của các hãng hàng không, trung tâm sửa chữa tàu bay lớn của khu vực với diện tích rộng lớn 1.500 ha.

Ngoài các điều kiện về hạ tầng giao thông kết nối, Quảng Ngãi còn sở hữu Khu kinh tế Dung Quất với quy mô hơn 45 nghìn ha, một trong những khu kinh tế trọng điểm của cả nước, động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng. Hơn nữa, nhu cầu vận tải và kho bãi hàng hóa qua khu vực miền Trung đang tăng mạnh trong bối cảnh năng lực sản xuất, nhu cầu xuất nhập khẩu phát triển nhanh đã đặt Quảng Ngãi trước cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, phát triển logistics là tất yếu theo xu thế vận chuyển của thế giới, một mặt nâng cao giá trị đóng góp của ngành vào cơ cấu GRDP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mặt khác, phát triển được hệ thống logistics với quy mô đủ lớn và mang tính tập trung là tiền đề hết sức quan trọng để thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất, chế biến khác. Được biết, trong định hướng phát triển logistics, Quảng Ngãi sẽ nghiên cứu và đề xuất cùng Quảng Nam hình thành một trung tâm logistics theo hướng trục Cảng nước sâu Dung Quất và Cảng hàng không Chu Lai, liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất và Khu kinh tế mở Chu Lai nhằm tạo động lực bứt phá cho cả 2 tỉnh, trong đó tập trung lĩnh vực sản xuất theo chuỗi công nghiệp công nghệ cao.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư