Khu đất 8-12 Lê Duẩn |
Ngày 22/12, tại hội thảo “Giá và đấu giá quyền sử dụng đất - thực trạng và giải pháp” nhằm góp ý giải pháp hạn chế tiêu cực trong đấu giá quyến sử dụng đất là tài sản công do Viện Khoa học pháp lý luật kinh doanh quốc tế IBLA tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng thất thoát tài sản công trong đấu giá đất.
Chạy mới có hồ sơ tham gia đấu giá
Theo luật gia Trần Đình Dũng, trong giao dịch cổ phần hóa, giá cả hoàn toàn thuộc vào ý chí của một số cá nhân. Điều này dễ dẫn đến chủ quan duy ý chí, gây thất thoát lớn cho tài sản công. Chẳng hạn một khu đất có giá 3.000 tỷ đồng, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp có thể đưa vào dự án hợp tác với giá 2.000 tỷ đồng mà không sai luật nếu có đủ chữ ký của một số người có trách nhiệm trong doanh nghiệp và cơ quan chủ quản. Khi đó tài sản công thất thoát cả ngàn tỉ đồng. Gần đây trong cổ phần hóa, quyền sử dụng đất không được kiểm soát giá và xảy ra không ít thất thoát cho tài sản công. Chính vì vậy, đưa vào đấu giá công khai đất là tài sản công do doanh nghiệp quản lý sử dụng khi giao dịch chuyển nhượng, hợp tác đầu tư, cổ phần hóa, là cần thiết để tránh gây thất thoát tài sản công.
Một điển hình về thất thoát tài sản công là khu đất số 8-12 Lê Duẩn (Quận 1, TP HCM) do không đem đấu giá đã gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, khu đất kế bên là khu đất tài sản công số 23 Lê Duẩn ban đầu định giá 558 tỷ đồng nhưng sau khi đấu giá, đã bán được 1.430 tỷ đồng. Nên nếu giao đất không đấu giá thì sẽ áp dụng mức giá này, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy thực tế sự chênh lệch khoản thu ngân sách khi so sánh giữa việc giao đất và đấu giá là quá lớn. Đây cũng chính là kẽ hở pháp luật để nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân.
Theo luật gia Dũng, đấu giá là một hình thức bán tài sản công khai, với mục đích có được nhiều người tham gia mua. Càng nhiều người mua thì tài sản bán được giá càng cao. Có thể thấy, đấu giá như một phiên chợ được mở ra trong mà bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể tham gia mua. Tuy vậy, hiện các văn bản pháp luật tạo ra không ít rào cản để người có nhu cầu mua tài sản đấu giá tiếp cận được với cuộc đấu giá, nhất là đối với quyền sử dụng đất công, dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước.
Cụ thể, hình thức phát hành và nhận lại hồ sơ đấu giá, luật chỉ qui định duy nhất hình thức trực tiếp là dán thông báo ở UBND phường xã, thị trấn trước 15 ngày đấu giá. Rõ ràng thủ tục phát hành hồ sơ đấu giá đang tạo kẽ hở pháp luật, không công khai rộng rãi tài sản đấu giá. Trên thực tế, để có được hồ sơ đấu giá một khu đất, nhất là những “khu đất vàng” là cả một vấn đề khó khăn, thường phải “chạy” mới có được hồ sơ dự đấu giá. Không những vậy, quy định hiện nay về đấu giá đất công đang tạo điều kiện cho khoảng cách từ “kế hoạch đưa ra đấu giá” đến thực hiện “giao thẳng đất không qua đấu gia” rất gần nhau. Trong thực tế, với nhiều qui định còn chưa đảm bảo tính công khai đại chúng đấu giá đất, thì việc “chỉ có một người đăng ký” là rất dễ xảy ra. Khi đó, đất thay vì đem đấu giá sẽ được chuyển sang diện giao đất vì không đủ số người, tổ chức tham dự đấu giá. Ngay khi đưa vào diện “chuyển sang giao đất không đấu giá” theo qui định tại Điều 118 luật Đất đai 2013, bất kỳ cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham gia đấu giá nào cũng không còn cơ hội tiếp cận.
Cần có luật riêng
Ông Dũng cho rằng cần phải có văn bản luật riêng biệt để điều chỉnh cho hoạt động này trong xã hội. Bởi quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa đặc biệt trong giao dịch xã hội. Hiện các điều khoản nằm rải rác trong các đạo luật liên quan tới hoạt động này không được thống nhất trong áp dụng (luật Đấu giá, luật Đất đai, luật Quản lý sử dụng tài sản công, luật Thi hành án dân sự, bộ luật Dân sự, luật Doanh nghiệp, luật Tổ chức UBND và HĐND…); sự biến động giá cả thị trường quyền sử dụng đất khá nhanh chóng trong thực tế khiến việc đấu giá thiếu minh bạch.
Cần thiết Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ra Nghị quyết để điều chỉnh về đấu giá quyền sử dụng đất công, quyền sử dụng đất là tài sản công. Trong đó đặc biệt công khai hóa và minh bạch thông tin đấu giá, tạo điều kiện tối đa cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng được tham gia đấu giá mà không cần các thủ tục rườm rà như “phát hành hồ sơ”.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Nhuần, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật quận 9, cho rằng để hạn chế tình trạng quân xanh, quân đỏ hoặc có “bắt tay” với nhau để đấu giá đất, cần quy định số người (tổ chức) tham gia đấu giá đất tối thiểu từ 3-5 người tránh trường hợp như hiện nay là khi có hai người trở lên cũng có thể tổ chức đấu giá.