Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, ngoài các chính sách của Nhà nước về khoáng sản quy định tại Điều 3 Luật Khoáng sản, Nhà nước còn áp dụng các chính sách sau đây trong quản lý cát, sỏi lòng sông: 1- Nhà nước bảo đảm tài nguyên cát, sỏi lòng sông được quản lý theo quy định của Luật khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định của Luật tài nguyên nước, pháp luật liên quan và các quy định tại Nghị định này.
2- Nhà nước quy hoạch tổng thể tài nguyên cát, sỏi theo lưu vực sông, đồng thời gắn với trách nhiệm quản lý theo địa giới hành chính của các cấp chính quyền địa phương, trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành liên quan.
3- Nhà nước bảo đảm tài nguyên cát, sỏi lòng sông được quản lý thống nhất, gắn với trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ, ngành liên quan từ khi lập quy hoạch; cấp phép thăm dò, khai thác cát, cho đến hoạt động tàng trữ, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ.
Khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi
Dự thảo nêu rõ, khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đối với khoáng sản là cát, sỏi lòng sông (bao gồm cả khoáng sản khác trên sông) theo quy định tại Điều 28 Luật khoáng sản phải căn cứ các quy định về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, bảo vệ an toàn đê điều và các công trình khác có liên quan theo quy định của pháp luật về Tài nguyên nước, Khoáng sản, Giao thông đường thủy nội địa, Đê điều và Phòng chống thiên tai.
Đối với yêu cầu về phòng, chống sạt, lở, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, khi khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản đối với cát, sỏi lòng sông phải bảo đảm nguyên tắc trên, khi khoanh định phải căn cứ vào đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của dòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông và các tiêu chí sau: 1- Khu vực đang bị sạt, lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, an toàn của bờ sông; làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông; 2- Khu vực đang bị sạt, lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, an toàn của công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác; 3- Khu vực đang bị sạt, lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của tổ chức, cá nhân; sự ổn định, an toàn của khu đô thị, khu dân cư và các công trình dân sinh; 4- Các khu vực đang bị sạt lở khác do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố hoặc thông báo.
Căn cứ vào các tiêu chí trên, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được khoanh định khi có yêu cầu khắc phục hậu quả do các khu vực đã bị sạt, lở gây ra hoặc là các khu vực có nguy cơ bị sạt lở hoặc có nguy cơ làm ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và các yêu cầu khác do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định.