Việc gọi vốn cho cao tốc Bắc - Nam hoàn toàn khả thi nếu có phương án quản lý tài chính hiệu quả, chặt chẽ và cho thấy khả năng sinh lời từ dự án. Ảnh: Song Lê |
Trao đổi với Báo Đấu thầu về các phương án vốn để gỡ khó cho cao tốc Bắc - Nam hiện nay, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận vốn với dự án này, từ việc chỉ trông chờ vào vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại thành việc huy động thêm các nguồn vốn khác.
Theo đó, có 4 nguồn cấp vốn khả thi ở giai đoạn hiện nay. Trước hết là nguồn vốn tín dụng từ VDB và các ngân hàng thương mại với tỷ trọng khoảng 40 - 50%. Bên cạnh đó, cần tính đến việc huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu dự án công trình hoặc một phần vốn từ ngân sách với tỷ trọng khoảng 20 - 25%. Tiếp đến là vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế dưới dạng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc vay ưu đãi với tỷ trọng khoảng 10 - 15%. Phần còn lại là nguồn vốn từ các quỹ đầu tư.
Trước quan ngại về khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng thương mại, TS. Cấn Văn Lực nhận định: “Không thể áp đặt và bắt buộc các ngân hàng này cho vay theo mệnh lệnh hành chính. Tuy nhiên, nếu dự án có phương án quản lý tài chính khả thi, hiệu quả và có khả năng sinh lời thì hoàn toàn có thể làm được. Để có phương án tài chính hiệu quả, cần phải thuê đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để tư vấn về cấu trúc tài chính. Bởi đây là dự án rất phức tạp về tài chính, đơn vị tư vấn phải tính toán cụ thể nguồn thu từ dự án, thời gian hoàn vốn và các chỉ tiêu chi tiết”.
Cũng theo ông Lực, điều nói trên chỉ thực hiện được khi cơ chế, chính sách cho các dự án cao tốc phải rõ ràng, nhất quán và kiên định, trong khi từ trước đến nay, chính sách dành cho các dự án cao tốc thay đổi khá nhiều nên khiến nhiều người quan ngại.
Đồng tình với phương án huy động vốn từ VDB, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics nói: “Tại các nước, ngân hàng phát triển cũng có chức năng cho vay để phát triển hạ tầng, cung ứng vốn cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn, có khả năng hoàn thành tiến độ để thực hiện các mục tiêu và chiến lược quốc gia về phát triển hạ tầng, thậm chí còn cung ứng vốn cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Cần đẩy mạnh vai trò này của VDB tại Việt Nam”.
Về nguồn vốn cho VDB, ông Minh cho rằng ngân hàng này có thể phát hành trái phiếu do chính phủ bảo lãnh, nhận các nguồn vốn ủy thác,...
Cũng theo ông Minh, phương án Chính phủ huy động vốn từ các tổ chức quốc tế dưới dạng vốn vay ưu đãi rồi cho vay lại là rất hợp lý, dù nguồn vốn này có thể làm tăng nợ công song mức lãi suất và các điều kiện vay “dễ chịu” hơn nhiều so với vay thương mại.
Vị chuyên gia này đề xuất thêm: “Các ngân hàng thương mại có thể bảo lãnh phát hành cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn trong và ngoài nước. Điều này đã từng được một số doanh nghiệp trong nước thực hiện thành công khi có các dự án khả thi”.
“Thực ra, nếu dự án có lợi, việc gọi vốn sẽ không còn quá khó khăn. Do đó, các bài toán tài chính nói trên chỉ được giải quyết khi phương án quy hoạch phải làm rõ tính khả thi, khả năng thu hồi vốn. Trong đó, điểm đáng chú ý là chú trọng quy hoạch phát triển khu vực hành lang, hạ tầng xung quanh dự án để tạo tính hấp dẫn. Dù nhanh hay chậm thì việc quy hoạch cần phải tính ngay”, ông Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh.