Quy hoạch tổng thể quốc gia phải khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Ảnh: Lê Tiên |
Thảo luận tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng nhận định, quy hoạch tổng thể quốc gia là một quy hoạch mới, mang tầm vóc chiến lược phát triển của đất nước. Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải xác định được các yêu cầu về nội dung nghiên cứu để khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh.
Tuy nhiên, đây là loại quy hoạch mới, lần đầu tiên được nghiên cứu lập ở Việt Nam nên kiến thức và kinh nghiệm về nội dung, hình thức, phương pháp, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch là hoàn toàn chưa có. Vì vậy, cần có đánh giá, nhận diện bối cảnh thời đại mới tác động tới quy hoạch tổng thể trong tương lai.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia là bước đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng hoàn thiện báo cáo rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch thời kỳ trước và tiêu chí đánh giá, làm rõ về yêu cầu nghiên cứu đối với nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch.