Bà Gita Gopinath cho biết, khoảng 60% các quốc gia thu nhập thấp có nguy cơ cao hoặc đã lâm vào cảnh vỡ nợ và khoảng 20 thị trường mới nổi có nợ giao dịch ở mức vỡ nợ.
“Chúng tôi có thể sẽ thấy nhiều quốc gia cần được xóa nợ hơn”, bà Gita Gopinath nhận xét.
Giá cả tăng vọt đã dẫn đến một loạt đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, dẫn đầu bởi các động thái tăng lãi suất nhanh chóng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và điều này đã làm tăng giá đồng USD. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển đang có một khoản nợ khổng lồ trị giá 250 tỷ USD và có nguy cơ tạo ra một loạt các vụ vỡ nợ lịch sử.
Theo bà Gita Gopinath, sự giảm giá của các loại tiền tệ của thị trường mới nổi so với đồng USD gây ra hậu quả lạm phát. "Điều đó đang khiến chính sách tiền tệ đối với họ trở nên khó khăn hơn nhiều vào thời điểm này và khiến các quốc gia đã vay bằng USD khó trả nợ”, bà Gita Gopinath cho biết.
Gánh nặng nợ ngày càng xảy ra trầm trọng sau khi Khuôn khổ chung do G20 thông qua để đình chỉ hoặc cải tiến việc trả nợ của các quốc gia thu nhập thấp trong đại dịch Covid-19 sẽ hết hạn vào tháng 12.
“Cần phải có nhiều hành động nhanh chóng hơn nữa và phạm vi của khuôn khổ phải được mở rộng sang các nước có thu nhập trung bình”, bà Gita Gopinath đánh giá.