Phía sau việc nhiều địa phương trả lại vốn ODA

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2020, lần đầu tiên một số bộ, ngành trả lại vốn ODA được giao. Năm nay, đến thời điểm này, nhiều địa phương cũng có đề xuất trả hoặc điều chỉnh giảm kế hoạch do không có khả năng giải ngân vốn ODA. Theo nhiều ý kiến, dù với những lý do khác nhau và việc trả vốn là ngoài ý muốn, nhưng các địa phương cần quan tâm hơn đến xây dựng kế hoạch, dự báo nhu cầu để nguồn lực không bị lãng phí, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát kỹ trong quá trình xây dựng dự án, bảo đảm các hạng mục đề xuất thực sự cần thiết, hiệu quả. Ảnh: Lê Hiếu
Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát kỹ trong quá trình xây dựng dự án, bảo đảm các hạng mục đề xuất thực sự cần thiết, hiệu quả. Ảnh: Lê Hiếu

Trong khi đề xuất xem xét bổ sung 300 tỷ đồng kế hoạch vốn nguồn ngân sách trung ương trong nước từ số vốn điều chỉnh giảm của các bộ, ngành, địa phương khác để có thêm nguồn lực giải ngân các dự án trọng điểm trong kế hoạch 2021 - 2025 và cam kết giải ngân hết trong năm 2021, thì UBND tỉnh Yên Bái lại đề xuất giảm kế hoạch vốn nước ngoài (ODA) năm 2021 với số vốn 107,732 tỷ đồng. Một trong những lý do, theo UBND tỉnh Yên Bái, là việc triển khai thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định dự án, cấp ý kiến pháp lý, thủ tục rút và cấp phát vốn các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài còn một số vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân; một số dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Theo ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, hiện nay do Dự án Thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn TP. Hải Phòng giai đoạn I đã hết thời hạn hiệp định và không thể giải ngân được vốn ODA vay là 149,317 tỷ đồng, Thành phố muốn điều chuyển sang Dự án Nâng cấp Nhà máy Nước An Dương (đã hoàn thành 100% khối lượng và số vốn đã giải ngân thực tế đến ngày 31/7/2021 là 431,195 tỷ đồng, trong khi kế hoạch vốn mới giao là 157,041 tỷ đồng). Việc điều chuyển vốn ODA giữa các dự án theo thẩm quyền quy định tại Luật Đầu tư công là của UBND TP. Hải Phòng, tuy nhiên việc này là điều chuyển từ vốn “ODA vay” thành vốn “ODA viện trợ không hoàn lại”. TP. Hải Phòng đã báo cáo, đề xuất các bộ liên quan, trường hợp không thực hiện điều chỉnh được, đề nghị các bộ thu hồi lại số vốn ODA vay trong kế hoạch năm 2021 là 149,317 tỷ đồng.

UBND tỉnh Sơn La cho biết, sau khi rà soát tình hình thực hiện và khả năng giải ngân vốn ODA năm 2021 trên địa bàn, UBND Tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính xem xét thu hồi số vốn nước ngoài (ODA) là 190 tỷ đồng để điều chuyển cho các địa phương khác.

UBND tỉnh Lào Cai thông tin, hiện nay do khó khăn trong công tác giải ngân nguồn vốn ODA, UBND Tỉnh đã đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch nguồn vốn nước ngoài năm 2021.

Ngoài ra, còn nhiều địa phương, bộ, ngành khác cũng có đề xuất điều chỉnh giảm, trả vốn. Những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân nguồn vốn nước ngoài năm 2021 được các địa phương nêu ra là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; quy trình thủ tục còn phức tạp...

Theo một chuyên gia, ngoài những lý do khách quan, một trong những nguyên nhân phải trả vốn có thể do bộ, ngành, địa phương xây dựng, đề xuất nhu cầu vốn nước ngoài quá cao, khi thực hiện không cân đối được nguồn vốn ngân sách trong nước để đối ứng, không tính hết khả năng hấp thụ, giải ngân vốn. Vốn ODA khác vốn trong nước, khi không giải ngân được thì việc điều chuyển cũng khó khăn hơn vì vốn của các nhà tài trợ khác nhau, cơ chế vay vốn khác nhau, dự án khác nhau đi liền với các hiệp định, điều kiện vay khác nhau. Khi một địa phương được phân bổ vốn mà không giải ngân được thì vừa thiệt hại cho chính đơn vị đó, vừa lãng phí cơ hội của các địa phương có dự án có khả năng giải ngân cao hơn.

Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT lưu ý, các địa phương cần quan tâm giải ngân cả nguồn vốn trong nước và nước ngoài, chú trọng các giải pháp khả thi đẩy nhanh giải ngân vốn nước ngoài. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch phải phù hợp, khả thi. Hiện Bộ KH&ĐT đang tổng hợp các đề xuất điều chỉnh giảm vốn, trả vốn của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo cấp thẩm quyền phương án xử lý.

Trong chỉ đạo mới đây về xây dựng chương trình, dự án ODA cho giai đoạn 2021 - 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát kỹ trong quá trình xây dựng dự án, bảo đảm các hạng mục đề xuất thực sự cần thiết, hiệu quả và chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất dự án. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, coi đây là nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương. Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn vướng mắc về phân bổ, giao kế hoạch vốn và rút vốn, giải ngân.

Chuyên đề