Phe dân túy rời bỏ Trump sau đòn không kích Syria

Người ủng hộ chủ nghĩa dân túy giận dữ và thất vọng trước việc Trump cho nã tên lửa vào căn cứ Syria, vì họ cho rằng ông hành động trái với cam kết trước đây.

Nigel Farage phát biểu kêu gọi bỏ phiếu cho Trump tại một cuộc vận động tranh cử ở Jackson, bang Mississippi vào tháng 8/2016. Ảnh:NYT

Tổng thống Mỹ Donald Trump được không ít người hoan nghênh khi ra quyết định không kích căn cứ không quân của Syria để đáp trả vụ chính quyền Syria bị cáo buộc tấn công vũ khí hóa học nhằm vào dân thường. Tuy nhiên, những người ủng hộ chính sách dân túy cánh hữu ở trong nước và nước ngoài lại chỉ trích động thái này và rời xa ông, theo CNN.

Nigel Farage, cựu lãnh đạo đảng Độc lập của Anh, người ủng hộ mạnh mẽ Anh rời Liên minh châu Âu (EU), từng phát biểu tại những cuộc tập hợp vận động tranh cử của Trump và là một trong những người đầu tiên gặp Trump sau khi ông đắc cử. Tuy nhiên, vào sáng 7/4, ông nói ông "rất sửng sốt" trước hành động quân sự của Mỹ tại Syria.

Thiệt hại của căn cứ Syria bị Mỹ tấn công

"Tôi nghĩ nhiều cử tri của Trump sẽ thức dậy vào sáng nay rồi vò đầu tự hỏi: 'Chuyện này rồi kết thúc ra sao?'", ông nói.

"Là một người ủng hộ mạnh mẽ Trump, tôi đồng tình cho rằng những bức ảnh (về vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria) thật khủng khiếp nhưng tôi sửng sốt trước vụ không kích của Mỹ", Farage nói thêm.

Theo hai cây bút Elise Labott và Nicole Gaouette của CNN, những phát biểu của Farage phản ánh làn sóng giận dữ và sự bối rối của những người cánh hữu sau vụ không kích căn cứ không quân của Mỹ ở Syria và họ nhấn mạnh sự đảo chiều bất thường trong chính sách của Trump.

Những người ủng hộ chủ nghĩa dân túy kinh ngạc trước vụ không kích ở Syria, do họ từng ca ngợi Trump vì ông không thích việc can thiệp của Mỹ ở nước ngoài và tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử rằng Mỹ "không thể làm cảnh sát của thế giới".

Trái lại, nhiều lãnh đạo trên thế giới bấy lâu nay thường lạnh nhạt với Trump thì nay lại tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ tân tổng thống Mỹ, như lãnh đạo Pháp, Đức, Canada, NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói với đài truyền hình BBC rằng "chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những gì người Mỹ đã làm". Ông cho biết thêm vụ Mỹ không kích căn cứ không quân của Syria là phản ứng "có giới hạn và hoàn toàn thích hợp".

Khoảnh khắc căn cứ Syria trúng tên lửa Mỹ

Vụ không kích 'hấp tấp, hiếu chiến'

Quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Fallon trái ngược với lập trường của ông Farage, người kêu gọi Anh không tham gia bất cứ cuộc tấn công nào thêm ở Syria. "Các hành động can thiệp trước đây ở Trung Đông đã khiến mọi thứ tồi tệ hơn thay vì tốt đẹp hơn", Farage nói.

Paul Nuttall, lãnh đạo hiện nay của đảng Độc lập nói rằng vụ không kích là "hấp tấp, hiếu chiến, vô nghĩa và sẽ chẳng đạt được điều gì".

"Toàn thể thế giới lên án hành động sử dụng vũ khí hóa học ở Syria nhưng vụ tấn công của Mỹ nhằm vào chính quyền Assad không giúp giảm các căng thẳng và cũng không thúc đẩy hòa bình ở nước này", Nuttall nói.

Tại Pháp, chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen dường như cũng tách bản thân khỏi Trump khi viết trên Twitter rằng bà "lên án mạnh mẽ" vụ tấn công "khủng khiếp" nhằm vào căn cứ không quân của Syria.

"Liệu có quá khó để chờ đợi kết quả của một cuộc điều tra quốc tế về vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria trước khi thực hiện một vụ không kích như thế này?", bà nói.

Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc của Pháp Marine Le Pen. Ảnh:AFP

Các lãnh đạo dân túy tại Mỹ cũng nêu thái độ phản đối trước vụ không kích ở Syria.

"Tôi lo ngại sâu sắc rằng những vụ không kích như thế này có thể dẫn đến việc Mỹ một lần nữa bị lôi kéo vào bãi lầy can dự quân sự dài hạn ở Trung Đông", thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói.

"15 năm qua đã cho thấy rằng các hành động can dự như vậy là rất tai hại đối với an ninh Mỹ, nền kinh tế Mỹ và người dân Mỹ", ông Sanders nói.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul, người ủng hộ Mỹ tránh xa các dính líu ở nước ngoài, kêu gọi Trump tham vấn với quốc hội Mỹ.

"Tổng thống cần được quốc hội cho phép hành động quân sự ở nước ngoài theo đòi hỏi của hiến pháp và tôi kêu gọi ông ấy hãy thảo luận với quốc hội", Paul nói.

Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa tấn công căn cứ Syria

Một số chuyên gia về chính sách nước ngoài cũng bày tỏ bối rối.

John Glaser, phó giám đốc nghiên cứu chính sách nước ngoài ở Viện nghiên cứu Cato có trụ sở ở Washington, nói rằng "quyết định tấn công chế độ Syria của Trump không có cơ sở về mặt pháp lý và ít có cơ hội làm nguôi nỗi đau của những người dân Syria bị mắc kẹt trong cuộc nội chiến".

Glaser cho rằng "điều quan trọng bây giờ là quan sát xem liệu Trump có khả năng cự tuyệt sự xúi giục leo thang và tránh tình trạng thay đổi các mục tiêu sứ mệnh, khiến Mỹ bị hút vào các vũng lầy tuyệt vọng ở Trung Đông như trong quá khứ".

Nhà bình luận cánh hữu Ann Coulterm, người từng vận động tranh cử cho Trump viết trên Twitter rằng: "Những người muốn chúng ta can thiệp vào Trung Đông bỏ phiếu cho các ứng viên khác". 

Chuyên đề