Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 16/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế
Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế

Mục tiêu của Quy hoạch là xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước, đến năm 2030 cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức. Duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước.

Cụ thể, đến năm 2030, về kinh tế, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế bảo đảm tính cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ và hiệu quả với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước thông qua hành lang kinh tế Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu và vùng động lực phía Nam.

Tổng sản phẩm của Tỉnh (GRDP) không tính dầu khí tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 8,1 - 8,6%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 497 triệu đồng (tương đương 18.000 - 18.500 USD).

Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: công nghiệp - xây dựng khoảng 58 - 58,5% (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 40 - 43%); dịch vụ 29 - 29,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 - 6,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 6,5 - 6,7%.

Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng năm 2030 đạt khoảng 56%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7%/năm.

Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, đẩy nhanh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn; tỷ trọng kinh tế số chiếm 35 - 37% GRDP.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh kinh tế biển để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; tỷ trọng kinh tế biển bao gồm dầu khí khoảng 75% GRDP, nếu không tính dầu khí khoảng 60% GRDP.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt 72 - 75%, các đô thị hạt nhân được "thông minh hóa".

Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện, hiện đại; môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng cao; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0".

Một trong những đột phá phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là tập trung hoàn thành các tuyến giao thông kết nối Tỉnh với vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng, kết nối thuận lợi Tỉnh với vùng, với cả nước và quốc tế, để Bà Rịa - Vũng Tàu thực sự trở thành cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia.

Bên cạnh đó, thành lập các khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại, kết hợp với hệ thống các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm dịch vụ đã và đang đầu tư, hình thành các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị.

Hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội; định vị Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.

Về phương hướng phát triển, đối với ngành công nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị đủ năng lực tham gia và liên kết hiệu quả với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ của vùng Đông Nam Bộ dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh và các tuyến cao tốc của vùng. Phát triển công nghiệp xanh, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ưu tiên phát triển công nghiệp hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hóa dầu, chế biến sản phẩm từ dầu, hóa chất; điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo; công nghiệp cơ khí chế tạo thiết bị nâng, hạ và bốc xếp; sản phẩm cơ khí phục vụ cảng biển, logistics với việc hình thành các cụm liên kết ngành; công nghiệp sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại; sản xuất phương tiện vận tải, cơ khí đóng, sửa chữa tàu thuyền, sản xuất phương tiện vận tải và hỗ trợ vận tải; dược phẩm, chế phẩm sinh học; công nghiệp hỗ trợ khai thác dầu khí và các ngành dịch vụ dầu khí.

Đối với ngành công nghiệp luyện kim, duy trì, phát huy công suất các nhà máy thép hiện hữu. Phát triển hợp lý các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo khác.

Với ngành công nghiệp sản xuất điện, duy trì các nhà máy điện hiện hữu, quy hoạch phát triển mới các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để cung ứng điện phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu (nhiệt điện LNG; điện gió trên vùng biển gần bờ và ngoài khơi thuộc khu vực huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ, TP. Vũng Tàu và Côn Đảo); khai thác nguồn điện sinh khối đồng phát; đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện.

Khai thác vai trò hệ thống cảng đặc biệt quốc gia, tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển chủ yếu của khu vực Đông Nam Bộ.

Hình thành khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, hình thành hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hoàn chỉnh. Quy hoạch bố trí quỹ đất để thu hút các tập đoàn công nghiệp lớn, chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu về khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phát triển hạ tầng logistics gắn với hạ tầng thương mại đồng bộ và hạ tầng công nghệ thông tin đủ điều kiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối công nghệ cao. Xây dựng trung tâm logistics Cái Mép Hạ đạt tầm quốc gia và quốc tế, đảm nhận chức năng phân phối hàng hóa của khu vực; liên kết chặt chẽ giữa hệ thống cảng biển quốc gia loại đặc biệt với Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phát triển các trung tâm logictics cấp vùng, cấp tỉnh tại địa bàn thành phố mới Phú Mỹ và huyện Châu Đức, liên kết chặt chẽ với các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị để hình thành các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị, tạo nền tảng vững chắc để thành phố mới Phú Mỹ trở thành đô thị cảng đồng bộ, hiện đại…

Chuyên đề