Phát huy thế mạnh vùng Thủ đô: Xóa bỏ tình trạng “hữu danh vô thực”

(BĐT) - Vùng Thủ đô Hà Nội với trung tâm là TP. Hà Nội và 9 địa phương lân cận được xác định là vùng phát triển kinh tế quan trọng, tạo sức cạnh tranh lớn cho cả quốc gia. 
Nếu các tỉnh trong Vùng Thủ đô không liên kết, phối hợp hiệu quả có thể dẫn đến mạnh ai nấy làm, không tối ưu hóa được lợi thế từng địa phương và cả Vùng. Ảnh: Huyền Trang
Nếu các tỉnh trong Vùng Thủ đô không liên kết, phối hợp hiệu quả có thể dẫn đến mạnh ai nấy làm, không tối ưu hóa được lợi thế từng địa phương và cả Vùng. Ảnh: Huyền Trang

Sự điều phối chung, cơ chế phối hợp hiệu quả là cần thiết để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Thủ đô Hà Nội, vùng Thủ đô và từng địa phương trong Vùng nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững… 

Chưa có sự gắn kết

Vùng Thủ đô Hà Nội là một vùng đô thị lấy TP. Hà Nội làm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Vùng Thủ đô bao gồm 9 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình. Câu chuyện về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô đã được nhắc đến rất nhiều trong những năm qua. Với những lợi thế rõ ràng, nếu các tỉnh trong Vùng không liên kết, phối hợp hiệu quả có thể dẫn đến mạnh ai nấy làm, cạnh tranh lẫn nhau, không tối ưu hóa được lợi thế của từng địa phương và cả Vùng. Nhiều ý kiến nhấn mạnh việc cần phải thiết lập một mô hình cơ quan quản lý điều phối vùng tinh gọn, hiệu quả có đủ khả năng giúp Chính phủ kết nối giữa các tỉnh với Hà Nội tốt hơn.

Theo báo cáo mới đây của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô, Chính phủ đánh giá việc thực hiện cơ chế phối hợp, liên kết vùng giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng với nhau hoặc với các cơ quan trung ương vẫn chưa được xác lập để tạo sự chủ động cho các tỉnh, thành phố trong công tác phối hợp, liên kết Vùng.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, cho biết, thực tế thời gian qua đã có một số hoạt động mang tính kết nối, phối hợp giữa các địa phương trong Vùng. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp hiện nay mới chỉ mang tính chất trao đổi, thỏa thuận giữa các địa phương trong Vùng, chưa có thể chế rõ ràng, đủ mạnh đối với cơ quan điều phối để có thể thực hiện hoạt động phối hợp, liên kết vùng hiệu quả.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nên có cơ quan điều phối, do Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, được trao quyền trong điều hành, quyết định các nguồn ngân sách cho các dự án mang tính liên kết địa phương… Dẫn kinh nghiệm nhiều nước, các vùng thủ đô có cơ quan quản lý riêng, với  chính quyền vùng có đủ chức năng, quyền hạn để điều tiết phát triển vùng, ông Đào Ngọc Nghiêm khuyến nghị Quốc hội nên xem xét ban hành Nghị quyết thí điểm thực hiện mô hình Hội đồng Vùng, trước hết cho Vùng Thủ đô, tạo ra cơ chế quản lý, điều hành đặc thù để đảm bảo hiệu lực hành pháp cho cơ quan điều phối này. 

Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả

Tại Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 5/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô, trong đó có chính sách ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trọng điểm của Vùng Thủ đô.

Bộ KH&ĐT vừa tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định để cho ý kiến về Dự thảo Đề cương Nghị định quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô.

Theo Dự thảo, cơ quan điều phối phát triển vùng do một Phó Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng Vùng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT  là Phó Chủ tịch thường trực. 2 Phó Chủ tịch là Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Dự thảo Đề cương Nghị định đề xuất cơ chế phối hợp; trách nhiệm rõ ràng của từng bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển kết nối vùng...

Chuyên đề