Phát huy nội lực để tăng trưởng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trải qua hai năm gian khó, kinh tế Việt Nam dần từng bước hồi phục nhờ những quyết sách đồng bộ và hiệu quả. Song, trước các thách thức của bối cảnh kinh tế mới, những nỗi lo cũ về nội lực của doanh nghiệp Việt vẫn còn đó. Do đó, bên cạnh việc tận dụng tốt cơ hội từ bên ngoài, cần nhìn nhận đúng và đủ về sức mạnh từ bên trong của nền kinh tế để phát huy các lợi thế, khắc phục những trở ngại để có những bước tiến bền vững trong thời gian tới.
Xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài được kỳ vọng tiếp tục là động lực thúc đẩy đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2022. Ảnh: Trần Ngọc
Xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài được kỳ vọng tiếp tục là động lực thúc đẩy đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2022. Ảnh: Trần Ngọc

Vẫn còn hạn chế và rủi ro

Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, 2021 là một năm đầy khó khăn của kinh tế Việt Nam. Bước sang năm 2022, với quyết tâm không “lỡ nhịp” với đà phục hồi của kinh tế thế giới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay đã có những điểm khởi sắc. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021. Kinh tế đối ngoại (xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI), động lực dẫn dắt tăng trưởng thời gian qua, vẫn được kỳ vọng tiếp tục là động lực thúc đẩy đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2022. Đáng chú ý, Việt Nam kiểm soát tương đối tốt lạm phát mặc dù áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng gia tăng.

Dù vậy, những điểm hạn chế vốn có của nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Kinh tế đối ngoại có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về chất lượng tăng trưởng, đặc biệt là sự đóng góp, tham gia của khu vực trong nước vào chuỗi giá trị còn hạn chế. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có sự tăng trưởng tích cực, song khối doanh nghiệp FDI vẫn là lực lượng chủ yếu, đóng góp đến hơn 70% vào kết quả xuất khẩu.

Lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và thương mại quốc tế của Việt Nam nói chung vẫn chủ yếu dựa trên giá cả, các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế và giá nhân công trong lĩnh vực sản xuất gia công - lắp ráp duy trì ở mức thấp, chứ không phải dựa vào việc nâng cao giá trị của chuỗi sản xuất, nhất là giá trị gia tăng từ cấu phần sản xuất trong nước.

Tăng cường nội lực cho doanh nghiệp trong nước

Trong bối cảnh nêu trên, cần nhìn nhận lại những động lực tăng trưởng từ bên trong để có giải pháp tích cực cải thiện khả năng chống đỡ các cú sốc và rủi ro kinh tế toàn cầu đang đe dọa làm suy giảm tăng trưởng.

Trước hết, ngay trong năm 2022, cần chú trọng khôi phục thị trường trong nước, nhất là phát triển dịch vụ, một lĩnh vực có thế mạnh tiềm tàng và đang “bùng nổ” sau đại dịch. Việt Nam đã nới lỏng hoàn toàn các biện pháp giãn cách được thực hiện suốt 2 năm qua, điều này sẽ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ. Sự ổn định về kinh tế vĩ mô, đà mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, du lịch khởi sắc, tăng trưởng cầu tiêu dùng trong nước từ nay đến cuối năm sẽ là một “cú hích” thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng, ăn uống, du lịch, giải trí…

Yếu tố thứ hai cần chú trọng đó chính là phát huy nội lực của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn đến 10 tỷ đồng với 49.533 doanh nghiệp (chiếm 90,1%, tăng 16,8% so với năm 2020). Con số này của 7 tháng đầu năm nay là 50.260 doanh nghiệp (chiếm 89,7%, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2021).

Với hơn 97% doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế. Đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) - một trong những chỉ tiêu phản ánh chính xác và khái quát hiệu quả sử dụng vốn và lao động - vào tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 36,03%, cao hơn so với mức đóng góp 33,42% của năm 2020, phản ánh mức tăng khá chậm.

Bên cạnh sự thua kém về năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, tính liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam cũng rất yếu. Tâm lý kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp nội thường theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chưa nhận thức được đầy đủ những lợi ích to lớn của việc liên minh, liên kết. Điều này cũng làm hạn chế khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia của doanh nghiệp Việt.

Kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 cho thấy, các biện pháp đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc, rào cản sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lấy lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy dòng vốn trở lại với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó hạn chế các nguy cơ bong bóng tài sản, góp phần khôi phục, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh và an sinh xã hội.

Thể chế cải thiện, doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh

Để phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân trong nước, đặc biệt là quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa trên ứng dụng nền tảng số và không gian số.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, doanh nghiệp nội địa cũng cần củng cố lại văn hóa và nền tảng quản trị kinh doanh, thực hành liêm chính, quan tâm các chính sách nhằm hỗ trợ lao động và phát triển nhân lực, từ đó chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phù hợp chuẩn mực quốc tế và các hiệp định thương mại - đầu tư thế hệ mới. Qua đó, tham gia sâu hơn và đạt giá trị gia tăng cao hơn. Đây vừa là sách lược ứng phó những thách thức trước mắt vừa là chiến lược lâu dài nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Để tận dụng lợi thế của kinh tế đối ngoại phục vụ sự phát triển nội lực của nền kinh tế, cần xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để gia tăng sự liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam và vị thế của quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, cần tập trung xây dựng thể chế và chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và liên kết đầu tư giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, việc phát triển đội ngũ doanh nhân, nhà quản lý, lao động có kỹ năng, trình độ và có trách nhiệm xã hội cao cũng cần được đặc biệt chú ý trong thời gian gần, để Việt Nam có thể có nền kinh tế tự chủ, đồng thời hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Chuyên đề