Máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh minh họa: AFP) |
Khoảng 7h05 tối 19/12, Mevlut Mert Altintas, một cảnh sát thuộc lực lượng cảnh sát chống bạo động Ankara, đã nổ súng và bắn Đại sứ Nga Andrey Karlov từ phía sau khi ông đang phát biểu tại triển lãm nghệ thuật ở đây. Cảnh sát đã ập vào triển lãm để khống chế tên này khoảng 15 phút sau đó và tiêu diệt hắn vào lúc 7h42.
Trong một phát biểu trên truyền hình sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi vụ tấn công này là một hành động khiêu khích nhằm phá hoại quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như những nỗ lực kiến tạo hòa bình tại Syria.
Một ngày sau đó, trong một động thái khá bất ngờ, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã cho triển khai 12 máy bay chiến đấu F-16 từ căn cứ không quân Eskisehir kèm theo “tiếng nổ lớn”.
Giới quan sát cho rằng, đây có thể coi là một động thái của Ankara nhằm thị uy sức mạnh với Moscow, song điều đáng nói là tại sao Ankara phải làm điều đó ngay sau vụ Đại sứ Karlov bị sát hại.
Tay súng sát hại đại sứ Nga Andrey Karlov tại triển lãm ở Ankara hôm 19/12. (Ảnh: AP)
Một điểm gây thắc mắc nữa liên quan đến vụ sát hại đại sứ Nga là việc tại sao lực lượng đặc nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ không bắt sống tay súng mà tiêu diệt hắn ngay tại hiện trường. Về điểm này, tại cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Erdogan cho biết: “Có một số suy đoán về lý do tại sao hắn không bị bắt sống. Hãy nhìn những gì đã xảy ra ở Besiktas khi cảnh sát cố gắng bắt giữ một kẻ tấn công đang còn sống”. Ông Erdogan đề cập tới vụ đánh bom kép bên ngoài sân vận động của đội bóng Besiktas ở thành phố Istanbul trong tháng này khiến 40 người chủ yếu là cảnh sát thiệt mạng, trong khi 150 người bị thương. Hãng tin Anadolu cho biết, kết luận điều tra ban đầu cho thấy, mặc dù cảnh sát đã bắn vào 2 chân của hung thủ nhưng hắn đã chống trả quyết liệt và tiếp tục nổ súng, buộc họ phải tiêu diệt hắn.
Vụ việc diễn ra chỉ khoảng hơn một năm sau vụ máy bay F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ Su-24 của Nga gần biên giới Syria. Tổng thống Putin sau đó gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “đâm sau lưng” và đáp trả bằng hàng loạt lệnh trừng phạt. Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mới ấm lại gần đây sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Erdogan xin lỗi và ngỏ ý muốn khôi phục quan hệ song phương và Nga được cho là giúp Tổng thống Erdogan ngăn chặn một cuộc đảo chính hồi tháng 7.