Phần lớn các chỉ tiêu về môi trường sẽ vượt kế hoạch đề ra

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc đánh giá khả năng hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021 - 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, tác động qua lại đến việc thực hiện các chỉ tiêu về KTXH trong tiến trình phát triển bền vững của nước ta, bởi giữa kinh tế, xã hội và môi trường đều có vai trò cùng quyết định sự phát triển bền vững.

Bàn về vấn đề này, Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Thuật, Trưởng ban Ban Chiến lược phát triển bền vững và Môi trường thuộc Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

TS. Nguyễn Văn Thuật, Trưởng ban Ban Chiến lược phát triển bền vững và Môi trường thuộc Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

TS. Nguyễn Văn Thuật, Trưởng ban Ban Chiến lược phát triển bền vững và Môi trường thuộc Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nhìn lại 3 năm thực hiện các chỉ tiêu về môi trường trong Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 mà Quốc hội giao, ông đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện các chỉ tiêu này và những kết quả đã đạt được?

Trước khi đi vào cụ thể từng chỉ tiêu về môi trường trong 5 chỉ tiêu mà Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 đặt ra, chúng ta cần thấy rõ việc thực hiện kế hoạch này nói chung, các chỉ tiêu về môi trường nói riêng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, như: cạnh tranh chiến lược, tranh giành các nguồn tài nguyên giữa các nước ngày càng quyết liệt; biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng và bất thường; các yêu cầu về bảo vệ môi trường trên bình diện quốc tế ngày càng cao. Trước những vấn đề nêu trên, đòi hỏi nước ta phải có những hành động mạnh mẽ, chất lượng, hiệu quả để đạt được tối đa các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu đã đề ra. Do đó, việc thực hiện các chỉ tiêu về môi trường đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi yếu tố khách quan và chủ quan đan xen nhau. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên việc thực hiện các chỉ tiêu này trong 3 năm 2021 - 2023 đã đạt được những thành tựu rất đáng kể, dù chưa toàn diện trong cả 5 chỉ tiêu.

Về chỉ tiêu sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị và nông thôn

An ninh nguồn nước đang là vấn đề cấp thiết đối với nước ta bởi nước ta không chỉ là quốc gia thiếu nước, mà nguồn nước của nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm, khan hiếm, cạn kiệt, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững quốc gia. Trước vấn đề đó, nước sạch, nước hợp vệ sinh lại càng là nhu cầu cấp thiết đối với đời sống, sinh hoạt của người dân nên luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Do đó, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của cư dân thành thị và nông thôn về cơ bản đều tăng qua các năm. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị năm 2021 đạt 98,6%, năm 2022 là 98,82% và năm 2023 ước đạt 98,9%; đạt chỉ tiêu đề ra. Ở nông thôn tương ứng lần lượt là 96,2%, 97% và 97%; vượt chỉ tiêu.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Về chỉ tiêu thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn

Theo tính toán, bình quân mỗi ngày nước ta thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có gần 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh hàng ngày vẫn còn lớn như vậy đang gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí là đáng báo động. Ngoài ra, trong số 30% lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì có khoảng 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí. Trước tính hình đó, việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn luôn luôn được chú trọng nên đã đạt được kết quả toàn diện, vượt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ này năm 2021 đạt 87,5%; năm 2022 đạt mức cao vượt bậc, đạt 96,37%; năm 2023 ước đạt 95%.

Về chỉ tiêu khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

Thực tế cho thấy, song song với sự gia tăng các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), chính quyền các địa phương luôn quan tâm, đôn đốc việc xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung trong khu vực này. Theo đó, tỷ lệ KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải tập trung đã tăng lên qua từng năm trong 3 năm 2021 - 2023. Năm 2021, tỷ lệ KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn là 90,5%; năm 2022 tăng lên 91%, và ước năm 2023 đạt 92%. So với chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, năm 2021 chúng ta không đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng 2 năm 2022 - 2023 chỉ tiêu này đã đạt kế hoạch.

Về chỉ tiêu cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý

Hiện nay, có nhiều cơ sở thuộc nhiều nhóm ngành, lĩnh vực gây hậu quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong đó, phải kể đến bệnh viện và bãi rác, đặc biệt là các cơ sở nằm trong khu dân cư, vùng đô thị và các KCN tập trung. Đây là những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng việc xử lý ô nhiễm môi trường trong các cơ sở này còn gặp khó khăn khách quan và chủ quan do tính đặc thù và điều kiện của mỗi cơ sở.

Năm 2021, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85,06%; năm 2022, tăng nhẹ lên 85,52% và đến hết năm 2023, ước đạt 87%. So với yêu cầu đặt ra là 100% thì chúng ta thực hiện đều không đạt trong cả 3 năm 2021 - 2023.

Về chỉ tiêu che phủ rừng

Diện tích rừng tự nhiên ở nước ta ngày càng giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái đáng báo động, đặc biệt Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về phá rừng. Trước tình hình đó, nước ta đã ban hành các chính sách và thực hiện nhiều chương trình “trồng cây, gây rừng”. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” và Quyết định số 523/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, trong 3 năm 2021 - 2023 thực hiện, tỷ lệ che phủ rừng đều đạt được ổn định ở mức 42,02%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Vậy năm 2024 và 2025 là 2 năm còn lại của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, khả năng thực hiện các chỉ tiêu này của nước ta như thế nào, thưa ông?

Như tôi đã đề cập, dù những thành tựu đã đạt được trong 3 năm 2021 - 2023 là chưa toàn diện, nhưng 5 chỉ tiêu đã đạt được kết quả như đã nêu trên là rất đáng kể và trân trọng. Những kết quả này đang tạo đà vững chắc cho việc thực hiện các chỉ tiêu môi trường ở mức cao hơn trong 2 năm còn lại. Kết quả dự báo như sau:

Thứ nhất, về sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị và nông thôn sẽ đạt được ở mức 99% với cư dân thành thị, nông thôn là 97,1% ở năm 2024; năm 2025, lần lượt là 99,2% và 97,2%.

Thứ hai, về thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ đạt ở mức 95,25% năm 2024 và 95,75% năm 2025.

Thứ ba, về KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ở năm 2024 sẽ là 92,1% và ở năm 2025 sẽ là 92,3%.

Thứ tư, về cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: Việc thực hiện chỉ tiêu này đạt 100% là tương đối khó nhưng sẽ có sự tăng mạnh hơn so với 3 năm trước, năm 2024 và năm 2025 sẽ đạt tỷ lệ lần lượt là 90,2% và 93%.

Thứ năm, về che phủ rừng vẫn sẽ được duy trì ở tỷ lệ 42,02%/năm.

Với những đánh giá, nhận định về những kết quả đạt được như đã nêu trên, xin ông cho biết ý nghĩa tác động của những kết quả này đối với việc xây dựng định mức và thực hiện các chỉ tiêu cho giai đoạn phát triển 2026 - 2030?

Trong 5 chỉ tiêu về môi trường thực hiện trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, có 4 chỉ tiêu nước ta sẽ đạt được, trong đó phần lớn các chỉ tiêu sẽ vượt kế hoạch đề ra.

Sắp tới, việc xây dựng Kế hoạch phát KTXH 5 năm 2026 - 2030 để trình Đại hội XIV của Đảng xem xét thì những kết quả nêu trên không chỉ là những luận cứ quan trọng giúp cấp có thẩm quyền tham khảo trong việc xây dựng định mức các chỉ tiêu về môi trường cho giai đoạn 2026 - 2030, mà những thành tựu đó còn là đòn bẩy, tạo xung lực cho việc thực hiện đạt được các chỉ tiêu này ở mức cao hơn so với giai đoạn 2021 - 2025.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ, nhận định nêu trên!

Chuyên đề