Phẩm giá Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Trong nửa sau thế kỷ XX, có một từ xuất hiện trong tiếng nói của những người bảo vệ và kiến tạo hòa bình trên thế giới, một từ mà cùng lúc mang rất nhiều ý nghĩa: đấu tranh, dũng cảm, anh hùng; cùng ý nghĩa chiến thắng, độc lập, tự do. Từ đó là Việt Nam. Và có một cái tên luôn luôn gắn với từ này - từ chỉ tên của một đất nước. Đó là Hồ Chí Minh”.
Lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là lịch sử của “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”; lịch sử của một nền văn hiến lâu đời, hào kiệt không bao giờ thiếu
Lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là lịch sử của “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”; lịch sử của một nền văn hiến lâu đời, hào kiệt không bao giờ thiếu

Đó là đoạn mở đầu của bài viết “Việt Nam và cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự do, độc lập” của Ngài Romesh Chandra, Chủ tịch danh dự Hội đồng Hòa bình thế giới, tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Việt Nam trong thế kỷ XX”, tổ chức tại Hà Nội, tháng 9/2000.

PGS. TS. Bùi Đình Phong

PGS. TS. Bùi Đình Phong

Tôi muốn dùng đoạn văn trên để mở đầu cho bài viết “Phẩm giá Việt Nam” đón Tết Giáp Thìn, bởi có nơi nào trên trái đất này như ở Việt Nam “ra ngõ gặp anh hùng”, “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”?. Những phụ nữ như Bà Triệu “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”. Một Nam Quốc sơn hà Nam đế cư khẳng định quyền độc lập, tự chủ của nước Nam là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm, không ai có thể nói khác và bất cứ thế lực nào xâm phạm thì nhất định bại vong. Một Trần Thủ Độ với câu nói nổi tiếng: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin Bệ hạ đừng lo!”. Một Trần Bình Trọng với tuyên bố: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc!”. Một Hịch tướng sĩ tỏ rõ nghĩa lớn, dám xả thân vì nước với quyết tâm “Sát Thát” và đáp lời vua: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã”. Một hội nghị Diên Hồng với đồng thanh một ý chí: “Quyết đánh”, thể hiện tinh thần dám đánh và biết đánh. Một nữ anh hùng với câu nói đi vào trái tim nhân loại: “Còn cái lai quần cũng đánh”…

Lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là lịch sử của “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”; lịch sử của một nền văn hiến lâu đời, hào kiệt không bao giờ thiếu, “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo”; lịch sử của tinh thần đổi mới sáng tạo, đề xướng cải cách kinh tế, văn hóa nhằm chấn hưng dân khí, dân trí vững bền.

Bề dày lịch sử tạo nền, là cái gốc để khi Chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào Việt Nam thì người cộng sản là những người dẫn dắt và kế thừa xứng đáng phẩm giá của dân tộc, làm nên cuộc cách mạng vang danh toàn cầu, trả lại giá trị truyền thống của người Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của bản sắc, tài năng và cốt cách dân tộc, đã trở thành biểu tượng rực rỡ, sáng chói về trí tuệ và bản lĩnh người Việt, dẫn dắt cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Tất cả những gì tốt đẹp trong hàng nghìn năm lịch sử đều sống dậy, tràn đầy sức mạnh hơn bao giờ hết trong thời đại Hồ Chí Minh.

Dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường; trí tuệ và bản lĩnh, dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng; sáng tạo và đổi mới, có hoài bão, khát vọng vươn lên; cần cù, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Chúng ta khát khao độc lập, tự do, hạnh phúc, hòa bình, không gây thù oán với một ai. Vậy nên, “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được tự do, độc lập”. Trong chiến tranh, toàn dân đồng lòng chiến đấu với niềm tin chắc chắn thắng lợi hoàn toàn cùng khát vọng xây dựng đất nước phát triển. Trong hòa bình, nước ta vững bước từ truyền thống “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” đến “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc” và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần dân tộc ấy như một dòng chảy xuyên suốt từ “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, đến ham muốn tột cùng của Bác “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” và “mỗi người dân đều được thụ hưởng mọi thành quả của công cuộc đổi mới, không để ai bị bỏ lại phía sau”… Từ “Xã tắc từ đây vững bền. Giang sơn từ đây đổi mới. Càn khôn bĩ rồi lại thái. Nhật nguyệt tối rồi lại minh. Muôn thuở nền thái bình vững chắc…”, đến điều mong muốn cuối cùng của Bác là: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đó là phẩm giá Việt Nam, cốt cách Việt Nam.

Thế giới đã, đang và sẽ phải trải qua những diễn biến phức tạp, khó lường, những đổi thay lớn, nhưng Việt Nam có những giá trị không bao giờ thay đổi. Đó là giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển. Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đặc biệt trong 94 năm Đảng lãnh đạo luôn tỏ rõ ý chí “thấy sóng cả không ngã tay chèo”. Khi chính thể Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ phải xây dựng cơ đồ mà Tổ tiên để lại, làm cho non sông Việt Nam tươi đẹp, bước tới đài vinh quang. Gần 80 năm sau ngày Quốc khánh, hôm nay, khi nhân loại đón chào năm mới Giáp Thìn 2024, dân tộc ta tự hào đã xây dựng thành công một đất nước hòa bình, ổn định, ngày càng phát triển “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của kinh tế toàn cầu, một điểm đến lý tưởng trong đánh giá của các tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế. Chúng ta có quan hệ với gần 200 nước trên thế giới, trong đó có tất cả các nước lớn, gần 20 nước là đối tác chiến lược, có 6 nước là đối tác chiến lược toàn diện… Một cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước như hôm nay rất đáng trân trọng bởi đã tạc nên một “dáng đứng Việt Nam” trong bức tranh toàn cầu.

“Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chấm dứt mặc cảm “nỗi buồn nhược tiểu” và truyền cảm hứng cho mọi người con đất Việt lòng tự hào dân tộc và tự tin vào chính mình. “Núi cao vẫn có đường trèo. Dẫu có hiểm nghèo vẫn có lối đi”. Tinh thần ấy, hào khí ấy đang tiếp tục được vun đắp bằng nhiều thông điệp, chính sách của Đảng và Nhà nước, chắc chắn sẽ tiếp tục tạo nên những kỳ tích cho đất nước, như cách chúng ta đã thành công trong cuộc chiến trường kỳ giành tự do, độc lập, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hội nhập với quốc tế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư