Ảnh minh họa |
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Nhiều địa phương vốn lớn giải ngân chậm
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán đến 31/7/2024 là khoảng 232,1 nghìn tỷ đồng, đạt 34,68% kế hoạch (cùng kỳ năm 2023 đạt 37,85%). Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 4.685,13 tỷ đồng (đạt 76,46 kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 11.840,8 tỷ đồng, đạt 43,5% kế hoạch.
Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 7 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (trên 40% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên, có 33 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước.
Trong đó, có một số địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 được giao chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng rất lớn tới tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Trong đó, TP.HCM được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 79,3 nghìn tỷ đồng, ước giải ngân 7 tháng đầu năm là 11,3 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số vốn giải ngân 7 tháng đầu năm của TP.HCM giảm khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Ninh được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 14,3 nghìn tỷ đồng, ước giải ngân 7 tháng đầu năm là 3,8 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh Đồng Nai được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 12,5 nghìn tỷ đồng, ước giải ngân 7 tháng đầu năm là 3,4 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng.
Tỉnh Bắc Ninh được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 8,6 nghìn tỷ đồng, ước giải ngân 7 tháng đầu năm là 1,4 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh Bắc Giang được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 8,2 nghìn tỷ đồng, ước giải ngân 7 tháng đầu năm là 2,4 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, giảm khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng.
Tỉnh Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Phước được giao kế hoạch vốn năm 2024 lần lượt là 7,1 nghìn tỷ đồng, 6,9 nghìn tỷ đồng và 5,5 nghìn tỷ đồng. Ước giải ngân 7 tháng đầu năm là 1,8 nghìn tỷ đồng, 1,4 nghìn tỷ đồng và 1,4 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số vốn giải ngân 7 tháng đầu năm của 3 tỉnh này giảm lần lượt khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng, 1,6 nghìn tỷ đồng 1,5 nghìn tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, nếu 8 địa phương nêu trên duy trì được số vốn đầu tư công giải ngân tương đương với mức vốn đã giải ngân trong cùng kỳ năm 2023 của chính địa phương đó, thì tổng số vốn giải ngân kế hoạch năm 2024 trong 7 tháng đầu năm cao hơn khoảng 18 nghìn tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Quyết tâm giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn
Tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ cần phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thủ tướng yêu cầu, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, phấn đấu khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền giao, phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2024. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Đồng thời, chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án và có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định, bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao.
Bên cạnh đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công…
Thủ tướng yêu cầu không để tình trạng dự án chờ mặt bằng; bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án; rà soát, tháo gỡ các quy định chồng chéo, vướng mắc; khẩn trương hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần lấy Dự án 500 kV Mạch 3 làm hình mẫu điển hình về chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thực hiện “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo” để đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn năm 2024, nhất là đối với các địa phương được giao vốn kế hoạch đầu tư công lớn như TP.HCM, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bắc Ninh... và 33 bộ, 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn cả nước. Triển khai hiệu quả hoạt động của 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; 26 đoàn của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương...
Tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các quy định tại các luật liên quan theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc, đảm bảo công khai, minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí…, đặc biệt là các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, tăng cường phân cấp, phân quyền, đảm bảo công khai, minh bạch; báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2024.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các nội dung còn vướng mắc để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư công tại Luật Ngân sách nhà nước như nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương để đầu tư dự án qua địa bàn 2 địa phương; sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các công trình thuộc phạm vi quản lý của Trung ương; đơn giản hóa quy trình giải ngân của các khoản viện trợ không hoàn lại...