Phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Mũi tên đã “đặt trên dây cung”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm mới 2025 được kỳ vọng là bước ngoặt về đầu tư hạ tầng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Đây cũng là năm triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng, năm của những đại công trình giao thông được khánh thành, đưa vào khai thác và năm của loạt dự án đang ấp ủ đầu tư.
Cảng hàng không Vân Phong trong Khu kinh tế Vân Phong được Khánh Hòa đề xuất đầu tư theo phương thức PPP. Ảnh: Hà Minh
Cảng hàng không Vân Phong trong Khu kinh tế Vân Phong được Khánh Hòa đề xuất đầu tư theo phương thức PPP. Ảnh: Hà Minh

Nhiều dự án hạ tầng lớn thành hình

Trong các dự án hạ tầng giao thông lớn qua Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh), Quốc lộ 1 đã hoàn thành, hai dự án trọng điểm quốc gia là cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển đang được thi công thần tốc để kịp hoàn thành trong năm 2025. Nếu lấy chiều ngang hẹp nhất của vùng (khoảng 50 km) tại tỉnh Quảng Bình chia đều cho số dự án trên, thì cứ 12,5 km có một tuyến giao thông huyết mạch quốc gia, tương lai khi đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thì khoảng cách trên sẽ tiếp tục thu hẹp lại. “Xuống tàu lửa, có thể đi bộ đến bến xe ô tô hay di chuyển về phía cảng hàng không đều chỉ trong thoáng chốc”, ông Trần Thanh Quang, nhà đầu tư từ TP.HCM nhận xét.

Điều ông Quang đề cập không phải là một ý tưởng lãng mạn. Thực tế hiện hữu là bên cạnh những dự án hạ tầng đường bộ, vùng đã gần “phổ cập” cảng hàng không (CHK), là lợi thế riêng của mỗi địa phương để vươn ra thế giới. Theo ghi nhận của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong 14 tỉnh, thành của vùng, hiện chỉ có Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Trị chưa có CHK. 11 tỉnh, thành còn lại đều sở hữu CHK, đó là CHK Thọ Xuân (Thanh Hóa) đang được đề xuất đầu tư 8.200 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng; CHK Vinh (Nghệ An); CHK Đồng Hới (Quảng Bình) đang được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam triển khai đầu tư 1.844 tỷ đồng nâng công suất lên 3 triệu lượt hành khách/năm, dự kiến đưa vào khai thác năm 2026; CHK Phú Bài (TP. Huế) đã được đầu tư 2.300 tỷ đồng nâng cấp Nhà ga hành khách T2, công suất 5 triệu lượt hành khách/năm; CHK Đà Nẵng bao gồm cảng nội địa và quốc tế; CHK Phù Cát (Bình Định) sẽ được nâng cấp thành sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp I, công suất 5 triệu lượt hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm; CHK Tuy Hòa (Phú Yên), CHK quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa)...

Tại Quảng Nam, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, Tỉnh đã đề xuất với Chính phủ triển khai thực hiện, kêu gọi những nhà đầu tư lớn đầu tư vào CHK Chu Lai (hiện đang khai thác các chặng bay đến Hà Nội và TP.HCM). Khu vực dự kiến đề xuất đầu tư sân bay khoảng 2.000 ha hiện là đất sạch.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt và lộ trình đầu tư đang được các địa phương tiến hành, vùng sẽ có thêm 3 CHK, nâng con số lên 14. Đó là CHK Quảng Trị đang xây dựng, CHK Lý Sơn (Quảng Ngãi) và CHK Vân Phong (Khánh Hòa).

Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch kỳ vọng, năm 2025, mọi công tác chuẩn bị nền tảng về thể chế, hạ tầng, nhân lực… của vùng sẽ hoàn thành; giai đoạn 2026 - 2035 là thời kỳ tăng trưởng 2 con số của vùng, thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành vùng phát triển, nguồn lực dồi dào sẽ đến từ tuyến đường bộ ven biển và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Hướng đến các mục tiêu mới

Trên bình diện chung cả nước, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển, chiếm 60% bờ biển cả nước; có 11 khu kinh tế (KKT) ven biển, chiếm 61,1% của cả nước; là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.

11 KKT ven biển bao gồm Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), KKT Đông Nam Quảng Trị, Chân Mây - Lăng Cô (Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), KKT Nam Phú Yên, Vân Phong (Khánh Hòa). Để thúc đẩy thu hút đầu tư vào các KKT, tạo ra nhiều giá trị cho các địa phương, bên cạnh đầu tư hạ tầng cứng, vùng được nhận nguồn lực mềm là các cơ chế, chính sách đặc thù được Bộ Chính trị cho phép triển khai tại Nghệ An, Huế, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Từ những cơ chế, chính sách đặc thù này, những mô hình kinh tế mới được thí điểm triển khai kỳ vọng sẽ thổi luồng gió mới, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm mới 2025. Đó là Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, cơ chế đặc thù phát triển Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa).

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam đánh giá: “Cơ hội chuyển mình, khai thác tiềm năng, tận dụng thế mạnh về thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ của vùng đang được “đặt lên dây cung” để mũi tên sẵn sàng lao về phía trước khi cùng thời điểm các dự án quy mô này được đầu tư, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành kế hoạch thực hiện”.

Theo ông Chính, xuyên suốt tinh thần của Đồ án Quy hoạch vùng là tầm nhìn dài hạn về bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh bao gồm: hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với hạ tầng giao thông, Quy hoạch định hướng cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác các CHK hiện có; đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng xây mới CHK Phan Thiết với quy mô 4E và công suất thiết kế 2 - 3 triệu lượt hành khách mỗi năm; xây dựng CHK Quảng Trị 5.833 tỷ đồng. Đặc biệt, tại Khánh Hòa, CHK Vân Phong vốn đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng đang được đề xuất đầu tư. Các CHK này được địa phương đề xuất đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BOT).

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030 là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 7,5 - 8%. Đến năm 2030, quy mô GRDP tăng từ 2,5 đến 3 lần so với năm 2020, trong đó tỷ trọng GRDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 38 - 39%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40 - 41%, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 10 - 11%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp khoảng 10 - 11%. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 165 triệu đồng, tương đương 6.485 USD…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng đánh giá, về cơ bản, kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đang phát triển ổn định theo hướng bền vững hơn; chất lượng hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện.

Để tạo ra bước đột phá trong kỷ nguyên mới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong chỉ đạo kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng cho rằng, các địa phương trong vùng phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ; triển khai bài bản, khoa học; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời hạn, mục đích cuối cùng là mang lại hiệu quả thực chất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong vùng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc 5 quan điểm phát triển vùng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước: cả nước vì vùng và vùng vì cả nước.

Chuyên đề