Phác họa Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị “mở đường”, Quảng Ngãi tiến hành lập và trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Dung Quất đến năm 2045; Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng hình thành các ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng (LHD&NL) quốc gia.
Khu vực hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia thuộc Phân khu công nghiệp phía Đông Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Hòa Phát
Khu vực hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia thuộc Phân khu công nghiệp phía Đông Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Hòa Phát

Tháng 12/2023, Bộ Công Thương phê duyệt đề cương Đề án Trung tâm LHD&NL quốc gia. Theo đề cương này, khu vực hình thành Trung tâm LHD&NL quốc gia thuộc Phân khu công nghiệp phía Đông Dung Quất tại KKT Dung Quất. Khu vực này hiện có 18 dự án liên quan đến lĩnh vực LHD&NL, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 122,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng vốn đăng ký vào KKT Dung Quất. Trong đó, có 11 dự án đã đi vào hoạt động và 7 dự án khác đang triển khai.

Tiến thêm một bước nữa từ đề cương ban đầu, Viện Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mới đây đã trình bày những nội dung cơ bản, trong đó bao gồm phạm vi ranh giới của Trung tâm LHD&NL quốc gia thuộc KKT Dung Quất và vùng đất, vùng nước khu vực lân cận Quảng Ngãi là Quảng Nam và Bình Định.

Theo Viện Dầu khí Việt Nam, phương án phát triển sẽ bao gồm tích hợp nguyên liệu của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất để sản xuất hóa dầu mang lại giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường, làm nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp khác; tái chế các sản phẩm hóa dầu sau sử dụng và các dự án hạ tầng khác. Ngoài ra, trong định hướng phát triển còn có các dự án nhà máy tuabin khí hỗn hợp, điện gió gần bờ, điện gió ngoài khơi; sản xuất hydro xanh từ năng lượng tái tạo; sử dụng hydro xanh thay thế một phần nhiên liệu của NMLD; sản xuất hydro xanh lam kết hợp thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon từ Dự án Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và Dự án Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất III, công suất 750 MW/mỗi nhà máy (do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các quyết định chủ trương đầu tư số 1460/QĐ-TTg và số 1461/QĐ-TTg ngày 25/10/2019).

Riêng đối với Dự án Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất II, do Sembcorp Utilities Pte Ltd (Singapore) làm Chủ đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT với công suất 750 MW, vốn đầu tư khoảng 793 triệu USD, sử dụng nhiên liệu khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh, nhà đầu tư đã lập, trình báo cáo nghiên cứu khả thi và được Bộ Công Thương phê duyệt. Đến thời điểm này, nhà đầu tư đang phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các bước tiếp theo đối với Dự án, trong đó có việc ký hợp đồng dự án BOT theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, KKT Dung Quất đã và đang thu hút nhiều dự án năng lượng theo các quy hoạch được duyệt. Đây là nền tảng để tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan trực thuộc Bộ sớm hoàn thiện xây dựng Đề án Trung tâm LHD&NL quốc gia trong năm 2024, trình Thủ tướng Chính phủ.

Giữa tháng 7/2024, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tại Hà Nội về một số nội dung trong xây dựng Đề án. Qua đó, Quảng Ngãi tiếp tục cung cấp các thông tin về hạ tầng khu vực, phương án giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư cho đơn vị tư vấn lập Đề án. Đồng thời, Quảng Ngãi đã đề xuất các cơ chế, đặc biệt là cơ chế đặc thù cho KKT Dung Quất phục vụ thu hút đầu tư.

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện các bên liên quan đã xác định kinh phí thực hiện dự án, lựa chọn phương án đấu thầu cạnh tranh hay chỉ định thầu. Theo sở này, Đề án Trung tâm LHD&NL quốc gia là một mô hình hoàn toàn mới cả về nội dung, tính chất cũng như phương thức hoạt động.

Tại buổi làm việc đầu tháng 8/2024 với UBND tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Quảng Ngãi có nhiều điều kiện, tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp, nhất là các ngành kinh tế biển, năng lượng và các ngành thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, lĩnh vực công thương của Tỉnh vẫn còn những hạn chế như: cơ cấu các lĩnh vực trong ngành công nghiệp còn thiếu cân đối, còn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực lọc, hóa dầu; chuỗi liên kết giữa ngành lọc, hóa dầu với các ngành hạ nguồn, nguyên vật liệu còn hạn chế, công nghiệp hỗ trợ phát triển còn chậm.

Về Trung tâm LHD&NL quốc gia, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương luôn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh Quảng Ngãi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các lĩnh vực thuộc ngành quản lý. Trong đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng và triển khai Đề án Trung tâm LHD&NL quốc gia tại KKT Dung Quất để góp phần gắn kết, liên kết giữa KKT Dung Quất với KKT mở Chu Lai hình thành trung tâm LHD&NL ven biển trọng điểm khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Chuyên đề