Phá dỡ một phần con đường gốm sứ là bất khả kháng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hơn 300m chiều dài con đường gốm sứ đoạn ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu đã bị phá dỡ để mở rộng đường đến cầu Nhật Tân. Theo ông Phạm Thanh Học, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, việc mở rộng đường thì phải có hoạt động phá dỡ, đây là việc bất khả kháng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao thông An Dương - đường Thanh Niên được đầu tư 815,8 tỷ đồng với mục tiêu đồng bộ tuyến đường Nghi Tàm và đường Âu Cơ đoạn từ nút giao đường Thanh Niên đến nút giao cầu Nhật Tân, nhằm kịp thời xử lý tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao thông, tạo hướng kết nối nhanh giữa trung tâm chính trị Ba Đình và trung tâm TP. Hà Nội với cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài thông qua cầu Nhật Tân và đường nối từ cầu Nhật Tân tới sân bay Nội Bài.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết đang triển khai thi công trên 3 đoạn: Đoạn 1 từ Khách sạn Thắng Lợi đến lối vào Xuân Diệu; Đoạn 2 từ lối vào Xuân Diệu đến ngõ 123 Âu Cơ; Đoạn 4 từ nút giao Lạc Long Quân đến nút giao cầu Nhật Tân. Đối với Đoạn 3 từ ngõ 123 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân, Thành phố sẽ tiếp tục rà soát nghiên cứu giải trình và làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có ý kiến thống nhất, thỏa thuận xin cấp phép cho thi công trong năm 2020.

Thời gian qua, để triển khai Đoạn 1 của Dự án, TP. Hà Nội đã phải thực hiện pháp dỡ một đoạn đường gốm sứ có chiều dài khoảng gần 300m từ Khách sạn Thắng Lợi đến Ngã ba Xuân Diệu để phục vụ cho việc mở rộng đường đê hiện tại theo Hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

Song, "Con đường gốm sứ" ven sông Hồng lâu nay là công trình nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được Tổ chức Guinness Thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới (dài xấp xỉ 3,85 km). Do đó, việc phá dỡ một phần con đường gốm sứ khiến nhiều người dân của Thủ đô rất tiếc nuối.

Trao đổi với báo chí chiều 9/6, ông Phạm Thanh Học cho biết, đã là mở rộng đường thì phải có hoạt động phá dỡ. Mặc dù đã nghiên cứu nhiều phương án nhưng vẫn phải phá thay thế một đoạn đê gốm sứ là bất khả kháng.

“Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội đã báo cáo và UBND Thành phố đã có chủ trương sau khi hoàn thành xong tường chắn đê bê tông cốt thép, sẽ tiếp tục có kế hoạch gắn tranh gốm sứ lên mặt tường bê tông cốt thép mới, chiều dài tường là rất lớn. Hà Nội sẽ vấn tiếp tục duy trì và phát triển cong đường gốm sứ”, ông Học nhấn mạnh.

Chuyên đề