Phá “điểm nghẽn” ngành thép bằng chiến lược tổng thể

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngành thép Việt Nam được đánh giá còn hạn chế về công nghệ, nguyên liệu, năng lực sản xuất và chủng loại sản phẩm. Khắc phục những hạn chế này, thúc đẩy ngành phát triển cân đối, hiện đại, bền vững là mục tiêu đặt ra tại Dự thảo Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang được Bộ Công Thương xây dựng.
Cần phát triển thêm các khu liên hợp gang thép quy mô lớn với cơ cấu sản phẩm đa dạng, đặc biệt là các sản phẩm thép phục vụ công nghiệp chế biến chế tạo. Ảnh: Tuấn Anh
Cần phát triển thêm các khu liên hợp gang thép quy mô lớn với cơ cấu sản phẩm đa dạng, đặc biệt là các sản phẩm thép phục vụ công nghiệp chế biến chế tạo. Ảnh: Tuấn Anh

Nhiều tồn tại, hạn chế

Bộ Công Thương nhìn nhận, ngành thép đã đạt được những thành công nhất định. Hiện sản xuất thép của Việt Nam đứng vị trí 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN. Tuy nhiên, ngành thép vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đầu tiên là tồn tại về mặt công nghệ khi hầu hết các nhà máy có công nghệ không khép kín, tiêu hao nhiều năng lượng. Đối với vấn đề nguyên liệu cho sản xuất, ngành thép còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu dẫn đến tình trạng bị động về giá, khi giá nguyên liệu đầu vào biến động thì giá thép trong nước cũng phải điều chỉnh theo.

Ngoài ra, năng lực sản xuất và chủng loại sản phẩm còn hạn chế. Cơ cấu nguyên liệu phục vụ sản xuất có 42% thép được sản xuất từ nguyên liệu là thép phế (chủ yếu là nhập khẩu) và 58% được sản xuất từ lò cao, sử dụng nguyên liệu là quặng sắt. Thép cuộn cán nóng (HRC) chỉ sản xuất được 8 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu là 10 triệu tấn…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Quốc Phương, chuyên gia thương mại cho rằng, ngành thép Việt Nam chưa có định hướng phát triển thực sự tốt trong thời gian qua. “Mặc dù là quốc gia sản xuất thép lớn trên thế giới, sản lượng tương tối cao, song hiện nay, ngành thép nước ta vẫn làm ở khâu hạ nguồn; đồng thời, chỉ tập trung sản xuất một số sản phẩm thép chất lượng trung bình, chưa sản xuất được nhiều thép chất lượng cao; phát triển chưa cân đối”, ông Phương nhận xét.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, ông Phương cho biết, trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu hơn 8,2 triệu tấn thép (tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái) với tổng giá trị gần 6 tỷ USD (tăng 25,4%). Thép nhập khẩu chủ yếu là HRC để phục vụ chế tạo... Việc nhập khẩu thép cán nóng tăng cao, theo ông Phương, có thể là để tăng tốc phục vụ các dự án trọng điểm, cấp bách, trong đó có công trình đường dây truyền tải điện đáp ứng nhu cầu cung ứng điện cho miền Bắc.

Đối với thép xuất khẩu, thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, thời gian qua, thép là một trong những mặt hàng bị kiện chống bán phá giá…, gây khó khăn không nhỏ với doanh nghiệp (DN) sản xuất.

Về nhu cầu thép của Việt Nam trong thời gian tới, các dự báo cho thấy, nhu cầu thép cho các ngành đều rất lớn. Chẳng hạn, tính toán sơ bộ của Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, quy mô thị trường cho DN cơ khí giai đoạn 2023 - 2045 là tích cực như: khoảng 110 tỷ USD cho ngành công nghiệp thiết bị đồng bộ; khoảng 200 tỷ USD đối với ngành điện gió; khoảng 1 tỷ USD/năm với ngành máy nông nghiệp; khoảng 50 tỷ USD với ngành đường sắt… Bộ Công Thương cho rằng, đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.

Cần thiết có chiến lược phát triển ngành thép

Từ thực trạng nêu trên, Bộ Công Thương nhấn mạnh, cần thiết phải ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm định hướng giúp các cơ quan nhà nước và các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để điều hành sự phát triển của ngành. Chiến lược sẽ giúp các DN hoạt động trong ngành thép xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, cũng như chiến lược phát triển sản phẩm, đầu tư phát triển DN hài hòa với sự phát triển của ngành.

Chiến lược vạch rõ mục tiêu là phát triển các sản phẩm thép theo hướng xanh và tiết kiệm năng lượng; tăng thị phần thép sản xuất trong nước nhằm từng bước thay thế sản phẩm nhập khẩu; định hướng về công nghệ sản xuất và phát triển nguồn nguyên liệu ngành thép…

Theo hướng này, ngành thép tập trung phát triển một số sản phẩm thép quan trọng như: thép xây dựng, thép cán nóng, cán nguội, thép hợp kim, thép phục vụ chế biến chế tạo. Cụ thể, phát triển thêm các khu liên hợp gang thép có quy mô lớn với cơ cấu sản phẩm đa dạng, đặc biệt là các sản phẩm thép phục vụ công nghiệp chế biến chế tạo; khuyến khích sản xuất thép hợp kim và đặc biệt phục vụ ngành cơ khí, chế tạo máy…

Ông Lê Quốc Phương hy vọng, Chiến lược sẽ gỡ được những “điểm nghẽn”, trong đó có sự phát triển chưa cân đối của ngành thép Việt Nam.

Để những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược không phải là “bánh vẽ”, ông Phương cho rằng, ngành công nghiệp thép Việt Nam phải có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Gợi ý về giải pháp cho vấn đề này, theo ông Phương, Việt Nam cần phải có chiến lược công nghiệp tổng thể, trong đó định hướng mục tiêu rõ ràng đối với phát triển từng ngành công nghiệp nhằm hỗ trợ DN thép tham gia vào chuỗi cung ứng.

Đại diện một DN sản xuất và kinh doanh thép lớn cho rằng, Chiến lược phát triển ngành thép sẽ là căn cứ quan trọng để nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư. Ngành thép là ngành công nghiệp nền tảng, do đó Chiến lược phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá cả những ngành liên quan để có định hướng chính xác, toàn diện; gắn Chiến lược với quy hoạch năng lượng, quy hoạch nguồn nguyên liệu… để tăng tính khả thi sau khi ban hành.

Chuyên đề