Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội: Đòi hỏi nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023, tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố bất định. Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua những khó khăn, thách thức, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và tăng trưởng bền vững là cải cách thể chế mạnh mẽ hơn, từ đó tạo lập môi trường đầu tư an tâm, an toàn cho người dân và DN.
Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội: Đòi hỏi nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ hơn

Thưa ông, Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 vừa được Chính phủ trình Quốc hội ngay trong Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV cho thấy bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng. Ông nhìn nhận ra sao?

Những kết quả KTXH 9 tháng đầu năm nay là rất phấn khởi. Hầu hết các chỉ tiêu đặt ra gần như đã đạt được, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều khó khăn trong thời gian dài.

Bất chấp nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng có chiều hướng suy giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022.

GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022, trong đó quý III tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018. Một số ngành dịch vụ nhanh chóng phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXT, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020 - 2021, tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của các năm tiếp theo.

Ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Số DN thành lập mới tăng cao, đặc biệt phục hồi mạnh mẽ trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19…

Như vậy, kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như các địa phương trong việc ban hành, thực thi các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thách thức thời gian qua. Bên cạnh đó, kết quả cũng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của người dân và cộng đồng kinh doanh trong bối cảnh DN chịu khó khăn đủ đường.

Dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, Chính phủ cũng nhận định sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đối với tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi nhất trí với nhận định này. Về dài hạn, việc duy trì tốc độ tăng trưởng và tăng trưởng bền vững có nhiều thách thức, bao gồm cả thách thức từ bên ngoài cũng như thách thức từ nội tại với nhiều yếu tố bất định.

Thách thức về bên ngoài, theo nhận định của Chính phủ cũng như Báo cáo Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều dự báo, kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều yếu tố bất định, khó lường. Tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực tăng… Trong khi đó, Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập, có độ mở lớn nên sẽ có nhiều thách thức.

Ở trong nước, bản thân nội tại của nền kinh tế cũng còn rất nhiều việc tiếp tục cải thiện. Ngay trong Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Phiên khai mạc cũng lưu ý, năm 2022, mặc dù chúng ta hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu KTXH nhưng có 1 chỉ tiêu rất quan trọng - năng suất lao động lại chưa đạt được.

Hay nhìn về xuất nhập khẩu, mặc dù Việt Nam là một trong các quốc gia xuất khẩu lớn, song cơ cấu xuất nhập khẩu vẫn chưa hợp lý, khi xuất khẩu của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn lấn lướt.

Bên cạnh đó, “sức khỏe” của DN cũng chưa thực sự yên tâm. Theo phản ánh của cộng đồng DN cũng như cảm nhận của tôi thì hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN vẫn rất khó khăn. Nhiều DN xuất khẩu dệt may, đồ gỗ và lâm sản, da giầy, gốm sứ… đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt, thậm chí bị hủy đơn hàng trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

9 tháng đầu năm 2022, số lượng DN gia nhập thị trường tiếp tục lập cột mốc mới, song số lượng DN rút lui khỏi thị trường rất đáng quan tâm. Cụ thể, 9 tháng đầu năm ghi nhận bình quân mỗi tháng có 12,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 (8,5 nghìn DN/tháng) và năm 2021 (gần 10 nghìn DN/tháng). DN đang đối mặt với khó khăn về tài chính như thiếu vốn lưu động; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao; số lượng và lợi nhuận của đơn hàng xuất khẩu sụt giảm; khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn…

Vậy theo ông, đâu là giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 như Kế hoạch đặt ra?

Để thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, tại Báo cáo của Chính phủ đã đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đưa ra khá đầy đủ, toàn diện như: Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đưa ra để đạt mục tiêu. Theo đó, khâu triển khai thực hiện là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Nhưng theo tôi, trong số các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra, rõ ràng cải cách thể chế trong bối cảnh hiện nay rất quan trọng; bởi việc chậm trễ trong thực hiện các thủ tục sẽ làm mất chi phí về thời gian và cơ hội kinh doanh của DN. Vì thế, việc thúc đẩy cải cách thể chế lần này, tôi muốn nhấn mạnh cần cải thiện hơn nữa quy trình, tốc độ giải quyết thủ tục hiệu quả hơn.

Cũng trong cải cách thể chế, cải cách không đơn thuần là vấn đề mặt thủ tục, thời gian mà chất lượng thể chế nhằm tạo sự an tâm, tạo môi trường thể chế ít rủi ro cho DN là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt. Môi trường thể chế nếu kém minh bạch, thiếu rõ ràng sẽ gây khó khăn rất lớn, thậm chí gây rủi ro cho hoạt động tuân thủ của DN.

Vì vậy, tôi mong muốn, nâng cao chất lượng quy định của luật pháp nhằm thực sự tạo ra môi trường an tâm, an toàn cho hoạt động kinh doanh cũng hoạt động quản lý điều hành của DN trong năm tới là vấn đề rất cần được nhấn mạnh thêm trong quá trình thực hiện các giải pháp Chính phủ đề ra.

Trân trọng cám ơn ông!

Chuyên đề