Chuỗi cửa hàng Seven.AM đóng cửa hàng loạt ở Hà Nội sau nghi án cắt mác |
Tổng cục quản lý thị trường đã có thông tin kết quả việc xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thương hiệu thời trang Seven.AM của Công ty cổ phần MHA.
Theo đó, cơ quan quản lý thị trường cho biết tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện có dấu hiệu mua hàng dệt may của nước ngoài về để gắn nhãn hiệu và ghi nhãn theo phản ánh.
Thay vào đó, một số vi phạm hành chính mà Công ty MHA và thương hiệu Seven.AM phải khắc phục như không thực hiện công bố hợp quy; sản xuất kinh doanh hàng hóa có nhãn, không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định; Kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin...
Đáng lưu ý, trước đó khi một số phóng viên đặt câu hỏi về nghi án cắt mác hàng Trung Quốc để gắn mác Seven.AM thì ông Nguyễn Vũ Hải Anh – tên tuổi gắn liền với thương hiệu này lại thừa nhận có nhập hàng từ Trung Quốc và đều có hoá đơn, chứng từ. Ông này cho biết việc cắt mác ở cổ áo vì khách hàng kêu ngứa.
Bên cạnh đó, phía cơ quan hải quan qua rà soát ban đầu cũng thấy doanh nghiệp này rất lạ vì thấy mới mở 1 tờ khai nhập hàng từ Trung Quốc về. “Trong khi nhìn qua bao tải đựng hàng hóa của quản lý thị trường chụp ảnh và số lượng hàng hóa khổng lồ như vậy, cùng với báo chí phản ánh, chúng tôi nhận thấy rất nhiều bất thường”, phía cơ quan hải quan cho biết.
Trước hai vấn đề có thể nói rất "khó hiểu" nêu trên, ông Đặng Quốc Anh – Giám đốc Công ty MHA đã có trao đổi với Dân trí nhằm làm rõ.
Cụ thể, liên quan một số nội dung ông Nguyễn Vũ Hải Anh trả lời báo chí, ông Đặng Quốc Anh cho biết: Do thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhân sự nên từ tháng 2/2018, ông Nguyễn Vũ Hải Anh không còn là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần MHA và thương hiệu Seven.AM.
“Từ 15/12/2018, tức là cách đây gần 1 năm, ông Hải Anh đã không còn là cổ đông của công ty nên hiện nay, ông Hải Anh không phải là đại diện phát ngôn của Công ty Cổ phần MHA và thương hiệu Seven.AM”, ông Đặng Quốc Anh nói.
Sở dĩ ông Hải Anh trả lời báo chí, theo ông Đặng Quốc Anh là do người sáng lập thương hiệu nên “rất tâm huyết với thương hiệu và công ty”.
Khi báo chí đưa thông tin liên quan thương hiệu Seven.AM, ông Hải Anh cũng muốn làm cho rõ và có hỏi bên cung ứng hàng hoá về việc này thì họ trả lời là do một số khách hàng than phiền bị ngứa cổ, nhân viên không làm đúng quy định, đã cắt mác để chiều lòng khách, tuy nhiên số lượng sản phẩm này không nhiều.
“Trong lúc hoảng hốt, rối loạn khi có mấy chục phóng viên báo chí hỏi về sự việc, ông cũng đã trả lời lại đúng theo nội dung thông tin của bên cung ứng”, ông Đặng Quốc Anh khẳng định: Đó chỉ là ý kiến cá nhân của ông Hải Anh, không đại diện cho Công ty Cổ phần MHA và thương hiệu Seven.AM.
Liên quan đến thông tin“Seven.AM chỉ mở rất ít tờ khai hải quan nhập khẩu trong khi lượng hàng lớn”, ông Đặng Quốc Anh phản hồi: Phần lớn sản phẩm Seven.AM được sản xuất trong nước. 9.035 sản phẩm mà cơ quan Quản lý thị trường niêm phong đã được chúng tôi xuất trình giấy tờ và hoá đơn đầy đủ.
“Công ty chỉ nhập khẩu một số lượng nhỏ phụ kiện (sản phẩm phụ kiện như túi, ví… nhập khẩu từ Trung Quốc) để bán kèm. Dòng hàng này số lượng rất ít lại bán chậm, do vậy Công ty chỉ mở ít tờ khai hải quan nhập khẩu”, ông Đặng Quốc Anh nói.
Trước đó, ngày 11/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chia thành 5 tổ tiến hành kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh thương hiệu thời trang Seven.AM.
Tại thời điểm kiểm tra, cả 5 cửa hàng kinh doanh Seven.AM đều chưa xuất trình đầy đủ hoá đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Vì vậy, Cục quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hơn 9.000 sản phẩm đề kiểm tra.
Đến ngày 29/11 vừa qua, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã có văn bản kết luận qua đó chỉ ra những vi phạm hành chính mà Công ty MHA và thương hiệu Seven.AM cần khắc phục.