OECD: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019 có nguy cơ chạm đáy 1 thập kỷ

OECD dự báo nền kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm 2019, đồng nghĩa rơi vào suy thoái...
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thương chiến Mỹ-Trung đang gây sức ép giảm lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thương chiến Mỹ-Trung đang gây sức ép giảm lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu - Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế đang giảm tốc của thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái - Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo ngày 19/9, đồng thời cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu về mức thấp nhất 1 thập kỷ.

Theo tin từ CNN Business, OECD dự báo nền kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm 2019, mức tăng yếu nhất kể từ năm 2009. Trong năm 2020, OECD cho rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 3%. Cách đây 18 tháng, tổ chức này còn dự báo mức tăng trưởng 4% cho năm nay và năm tới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) định nghĩa kinh tế toàn cầu suy thoái nếu đạt mức tăng trưởng ở mức từ 3% trở xuống.

Báo cáo cập nhật của OECD dự báo nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đạt mức tăng trưởng 3,1% trong 2019 và 3,2% trong 2020. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ bị hạ về 2,4% trong 2019 và 2% trong 2020.

Năm 2018, kinh tế Mỹ tăng trưởng xấp xỉ 3%, chủ yếu nhờ kế hoạch cắt giảm thuế 1,5 nghìn tỷ USD của Đảng Cộng hòa và chương trình chi tiêu công quy mô lớn được Quốc hội nước này thông qua sau khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.

OECD cho biết thương chiến Mỹ-Trung và ảnh hưởng của xung đột này đến hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu là lý do dẫn tới dự báo u ám trên. Ngoài ra, tổ chức cũng đề cập đến bấp bênh xung quanh việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc như những mối nguy lớn khác đối với nền kinh tế thế giới.

Chuyên gia kinh tế trưởng Laurence Boone của OECD nói rằng căng thẳng thương mại đang diễn ra gây sức ép lớn lên hoạt động đầu tư và niềm tin của các doanh nghiệp, khiến mức độ bấp bênh càng tăng thêm. Hoạt động đầu tư yếu đi được dự báo sẽ có ảnh hưởng dài hạn và mang tính cơ cấu đến tăng trưởng kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc mức tăng trưởng thấp hơn sẽ trở thành bình thường mới.

"Thế giới cần phải có sự phản ứng khẩn cấp mà nếu không thực hiện được, chúng ta sẽ mắc kẹt trong một thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài, với ảnh hưởng lớn nhất sẽ rơi vào những đối tượng dễ tổn thương nhất", ông Boone cảnh báo.

Chuyên đề