“Nóng” chuyện cát

Cát là một loại vật liệu không thể thiếu được trong các công trình xây dựng những trước những diễn biến của tình hình khác thác và hoạt động kinh doanh cát gần đây đang đẩy câu chuyện về cát “nóng” hơn bao giờ hết. Những chuyện “nóng” này đang tác động trực tiếp thị trường vật liệu xây dựng và đẩy giá cát xây dựng trên thị trường cao một cách chóng mặt.
Bến cảng nội địa chạy dọc các tuyến sông là nơi tiêu thụ cát lậu lớn nhất hiện nay
Bến cảng nội địa chạy dọc các tuyến sông là nơi tiêu thụ cát lậu lớn nhất hiện nay

Giá cát tăng đột biến

Từ đầu tháng tư đến nay giá cát trên thị trường có tốc độ tăng mạnh nhất trong các loại vật liệu xây dựng. Theo khảo sát của phóng viên tại thị trường TP Hồ Chí Minh và vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…khu vực tăng thấp nhất cũng khoảng từ 40 đến 50% so với đầu tháng ba và thậm chí tại TP Hồ Chí Minh có một số loại cát đã tăng đến 100%. Thực tế, chỉ trong thời điểm đầu tháng ba tại khu vực này giá các mặt hàng cát xây tô trung bình khoảng 190 đến 200 nghìn đồng/m2, cát bê tông khoảng 240 đến 250 đồng/m3 và thấp nhất là cát san lấp khoảng 150 nghìn đồng/m3 nhưng tại thời điểm này cát xây tô đã lên hơn 300 nghìn đồng/m3 và đặc biệt là cát bê tông có những đại lý tại khu vực Thủ Đức, Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) đã chào giá hơn 600 nghìn đồng/m3. Trong đó, không ít các đại lý đã đưa ra thông điệp giá cát không chỉ tăng theo ngày nữa mà có thể sẽ thay đổi theo giờ.

Trước thực trạng này, không ít các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đã phải nghĩ đến bài toán tính lại cơ cấu giá thành xây dựng. Nói về điều này, ông Trần Văn Đô, phó giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại xây dựng Vượng Thịnh Phát, chuyên thầu xây dựng các công trình dân dụng cho biết: “Tuy cát chỉ chiếm khoảng 5 đến 10% kết cấu trong các loại vật liệu xây dựng như bê tông, tô tường và tường xây dựng…nhưng việc giá chóng mặt như hiện nay thì bắt buộc phải tính lại giá thành xây dựng. Nếu không các chủ thầu bắt buộc phải bù lỗ”. Theo phán đoán của ông Đô, giá cát sẽ còn tăng “nóng” trong thời gian tới và cứ tình trạng này thì kể cả những hợp đồng đã ký kết cung cấp vật liệu với giá “chết” thì các đại lý cũng có thể phải tự phá vỡ hợp đồng.

Một trong những nguyên nhân được xác định là giá cát trên thị trường tăng đột biến là do sự siết chặt việc khai thác, kinh doanh cát trên dọc các tuyến sông lớn như sông Đuống, sông Hồng, sông Đồng Nai và các tuyến sông Tiền, sông Hậu (thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long)…khiến cho nguồn cung bị khan hiến. Trong đó, khan hiếm nhất là loại cát bê tông được khai thác ở các tuyến sông lớn và đồng thời cũng đang là những điểm nóng về tình trạng khai thác cát tặc, dự án nạo vét tận thu cát tại sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh), sông Đồng Nai chạy dọc từ Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh…

Nhu cầu ngày càng tăng

Thực tế, tại Việt Nam nhu cầu về cát, sỏi để phục vụ cho san lấp, xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng giao thông…luôn ở mức cao. Theo dự báo số lượng cát được sử dụng sẽ ngày càng tăng cao hơn. Cụ thể, năm 2015 nhu cầu cát xây dựng là khoảng 92 triệu m3 và dự kiến đến năm 2020 là 130 triệu m3/năm. Nhu cầu về cát xây dựng được tập trung nhiều ở các thành phố và đô thị, các khu vực lân cận có tốc độ phát triển kinh tế mạnh. Riêng khu vực tam giác TP Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bình Dương mỗi năm nhu cầu về cát xây dựng khoảng hơn 10 triệu m3/năm và được dự báo số lượng này còn tăng cao khi hàng loạt các công trình lớn, trung tâm phát triển kinh tế, tuyến cao tốc được đẩy mạnh thi công. Trong đó, theo báo cáo đánh giá của Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng nguồn cát chính chủ yếu tập trung ở các dự án được cấp phép cho các doanh nghiệp được cấp phép khai thác hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch. Nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60 đến 65% nhu cầu và cung cấp cho các thành phố, đô thị lớn. Như vậy, có thể thấy được mỗi năm có khoảng từ 35 đến 40 triệu m3hiện đang được sử dụng vào các công trình xây dựng, công trình giao thông thuộc diện không rõ nguồn gốc hay gọi cách khác là cát tặc.

Hầu hết các sà lan cát trên sông Đồng Nai kiểm tra đều không rõ nguồn gốc

Trong khi giá cát tăng đột biến đi kèm với nhu cầu thực tế về cát để phục vụ cho xây dựng, san lấp ngày càng cao thì một câu hỏi được đặt ra là: Bao giờ giá cát sẽ ngừng tăng?. Đánh giá những nguyên nhân dẫn đến việc phải kiểm siết chặt khai thác, kinh doanh cát tại một hội nghị về quản lý, khai thác cát toàn quốc do Tổng cục Cảnh sát thuộc Bộ Công An tổ chức, một số nhà quản lý cho rằng: Vì hoạt động khai thác cát xây dựng có lợi nhuận cao, trốn thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, nên một số tổ chức cá nhân đã bất chấp vi phạm, thậm chí ở một số nơi hoạt động hai thác cát trái phép có tổ chức với quy mô lớn. Trong khi đó một số công trình lớn vẫn sử dụng các nguồn cát trái phép và thu mua giá thấp hơn, việc quản lý hóa đơn chứng từ mua bán cát không có nguồn gốc khai thác hợp pháp vẫn bị buông lỏng, nên vô hình chung đã tiếp tay cho hoạt động khai cát trái phép diễn ra. Thực chất, nhu cầu tiêu dùng lớn, nguồn cung thấp đã dẫn đến tình trạng thị trường luôn khan hiếm cát. Trên thực tế, không chỉ khai cát cát trái phép với một lượng lớn mà việc kinh doanh, buôn bán cát trên thị trường rất sôi động. Giá của các loại cát trong những năm gần đây biến đổi không ngừng, rất khó kiểm soát và nhiều thời điểm đã có tình trạng “làm giá” trên thị trường cát xây dựng. Đặc biệt, giá cát được biến động theo từng vùng và có mức độ chênh lệch rất lớn nhưng ai là người kiểm soát, quản lý về khối lượng mua bán, giá trị thực và khoản tiền chênh lệch này (?). Bên cạnh đó, người tiêu dùng, các công trình xây dựng của nhà nước, công trình nhà ở dân sinh luôn phải gánh chịu cảnh đội giá vật liệu xây dựng lên cao do trượt giá.

Cần có quy hoạch tổng thể nguồn tài nguyên cát

Việc buông lỏng quản lý của các địa phương lên tình trạng khai thác cát tràn lan đã kéo dài từ nhiều năm nay và do lợi nhuận quá cao đã dẫn đến việc một số đối tượng cát tặc, trong đó có cả các doanh nghiệp đã tận dụng triệt để những sơ hở của cơ chế chính sách của nhà nước để khai thác lậu cát. Thậm chí, mới đây việc cơ quan công an đã bắt tạm giam một số đối tượng cát tặc đã nhắn tin dọa Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh và cán bộ sở, ngành của địa phương này. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ cần phải có giải pháp tổng thể, giải quyết dứt điểm tình trạng lợi dụng khai thác cát tràn lan và không thể để diễn ra tình trạng khan hiếm cát như hiện nay làm ảnh hưởng lớn đến các công trình xây dựng.

“Nóng” chuyện cát ảnh 2

Cần kiểm soát chặt chẽ khai thác, kinh doanh cát

“Khoán trắng” cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của các địa phương có tình trạng khai thác cát thì hầu hết đã và đang để lại những hậu quả rất nặng nề như gây sạc lở đất, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự…bên cạnh đó do thiếu sự quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền và thậm chí có dấu hiệu bảo kê của một số cá nhân đã gây ra những lãng phí về tài nguyên thiên nhiên, thất thoát nguồn thu thuế cho ngân sách. Trong đó, có hai hình thức phổ biến nhất tại các địa phương là khai thác cát lậu (cát tặc) hoặc doanh nghiệp thực hiện theo kiểu nạo vét, tận thu tại các dự án được ký kết với cơ quan chức năng trong việc nạo vét tuyến luồng sông, hàng hải…Ở đây, khai thác cát lậu được hoạt động nén nút nhưng việc khai thác công khai và được cho là “hợp pháp” bằng những “hợp đồng nạo vét”. Tuy nhiên, liệu dưới những chiêu bài “hợp đồng nạo vét” đã được các doanh nghiệp tận dụng triệt để và khai thác lậu cát một cách công khai?.

Một trong những “điển hình” của hình thức đó là sự ký kết giữa Cục Hàng hàng Việt Nam với Công ty CP Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước) mà đã được nhiều cơ quan báo chỉ đã thông tin. Theo đó, tháng 5-2016, Cục Hàng hải Việt Nam và Công ty Hiệp Phước đã chính thức ký hợp đồng số 20/2016/HĐNV-XHH về việc thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải sông Đồng Nai đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi, không sử dụng ngân sách nhà nước. Chỉ cần nhìn vào hợp đồng đã thấy được việc Cục hàng hải Việt Nam đã “khoán trắng” cho doanh nghiệp thực hiện dự án và Công ty Hiệp Phước có thể “ăn không” hàng trăm tỷ đồng (?). Theo hợp đồng, dự án được thực hiện từ năm 2016 đến hết quý II/2019, quy mô tổng chiều dài tuyến luồng là 28,5 km; chiều dài tuyến luồng nạo vét khoảng chín km; tổng khối lượng nạo vét là 2.268.771 m3, trong đó khối lượng cát sỏi là 1.136.654 m3 và 1.132.117 m3 bùn đất; tổng mức đầu tư dự án khoảng gần 25,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ cần đặt một phép tính đơn giản thì với lượng cát sỏi khai thác được và nhân với giá cát ở thời điểm cuối năm 2016 thì Công ty Hiệp Phước đã có thể thu về khoảng gần 200 tỷ đồng. Trong khi đó, theo giải thích của một lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam thì việc thuê đơn vị khảo sát, đánh giá, lập dự toán thực hiện…đều do doanh nghiệp tự thực hiện, rồi trình Cục và Bộ Giao thông Vận tải duyệt. Đồng thời việc nạo vét, duy tu, bùn cát xử lý như thế nào doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm; toàn bộ chi phí ấy làm sao đủ đảm bảo bù cho chi phí nạo vét để khỏi phải dùng nguồn ngân sách để thực hiện.

Trách nhiệm người đứng đầu?

Một vấn đề được đặt ra là: Đã có bao nhiêu cát tặc đã bị khai thác lậu và đưa đi đâu để tiêu thụ?. Chẳng lẽ khi ở dưới sông được khai thác lậu, sau khi đưa vào bờ sang lại cho các bến bãi cát là cát lậu đã được “hóa kiếp” thành cát “sạch”. Liên quan đến thực trạng khai thác, vận chuyển cát trên tuyến sông Đồng Nai, trong một cuộc khảo sát thực địa (trong vòng một ngày) của Tổng Cục cảnh sát tổ chức trên các tuyến sông Thị Vải, sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai thì đã kiểm tra 13 sà lan trở cát trên sông với khối lượng khoảng gần 20.000 m3 cát thì 100% đều không có giấy tờ vận chuyển, nguồn gốc cát hoặc có giấy tờ nhưng không hợp pháp.

Thực tế, với các hoạt động nạo vét thường xuyên và được coi là điểm “nóng” nhưng thực sự trên tuyến sông Đồng Nai thuộc luồng hàng hải từ cầu Đồng Nai hắt về phía hạ nguồn vùng giáp ranh giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh có cần thiết phải thực hiện các dự án nạo vét tận thu?. Nói về cao độ của lòng sông Đồng Nai hiện tại thuộc lưu vực TP Hồ Chí Minh, một Phó giám đốc Cảng vụ TP Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hầu hết dọc trên tuyến này độ sâu đã đảm bảo cho tàu thuyền có trọng tải lớn theo quy định ra vào. Do đó, không cần thiết phải thực hiện các dự án nạo vét tận thu cát”. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của một số doanh nghiệp thì tại những vị trí một số doanh nghiệp đã thực hiện việc nạo vét tận thu cát trên sông Đồng Nai thì có độ sâu khoảng từ 12 đến 19 mét, nhưng mức độ sâu theo yêu cầu trung bình của cả tuyến sông chỉ là 8 mét.

Trước thực trạng về khai thác và sử dụng tài nguyên cát như hiện nay, một chuyên gia về vật liệu xây dựng cho rằng: Để tránh đi tình trạng lợi dụng chính sách nạo vét, tận thu cát và giản bớt tình trạng cát tặc, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên cát thì cần phải có một quy hoạch tổng thể đánh giá khảo sát về trữ lượng, nhu cầu sử dụng từng khu vực cụ thể. Sau đó, cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, ngành hoặc địa phương đó đứng ra lựa chọn doanh nghiệp để lập dự án, thực hiện chịu sự giám sát quản lý chặt chẽ về khối lượng, phương pháp khai thác, xử lý có hiệu quả. Về lâu dài, cần thiết phải có giải pháp như: Có chính sách hạn chế sử dụng cát xây dựng (cát xây trát, đổ bê tông) để san lấp và thay vào đó quy hoạch các khu chôn lấp rác thải xây dựng, sử dụng cát nhiễm mặn nạo vét để lấp trũng, phát triển sản xuất cát nghiền làm nguyên liệu thay thế…Như vậy, mới có thể quy trách nhiệm người đứng đầu ở những địa bàn để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép theo như nội dung chỉ đạo ngăn chặn ngay nạn “cát tặc” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trữ lượng cát sỏi xây dựng của Việt Nam có khoảng 2,1 tỷ m3, hầu hết trữ lượng này nằm trong khoảng 160 dòng sông, kênh, rạch trải dài hơn 6.200 km từ Bắc vào Nam.

Chuyên đề