Noi theo tấm gương ngời sáng của Nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cách đây tròn 98 năm, với sự ra đời của tờ báo Thanh Niên, Hồ Chí Minh là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, đặt mốc son lớn cho vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong cuộc đời hoạt động vẻ vang của mình, Người đã viết hàng ngàn bài báo, tổ chức xuất bản hàng chục tờ báo vì một mục tiêu duy nhất là giành độc lập dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng (Ảnh tư liệu)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là phương tiện tập hợp quần chúng, người làm báo là chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Người khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”; “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Đối với hoạt động báo chí, mỗi người đều phải không ngừng “trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa” nhằm phục vụ hiệu quả sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân. Trải qua các chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam, lời dạy của Bác luôn là “kim chỉ nam” cho các cơ quan, tổ chức và mỗi người làm báo trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước.

Giữ gìn phẩm chất, đạo đức người làm báo cách mạng

Chỉ bằng lời căn dặn ngắn gọn với các thế hệ người làm báo: “Viết cho ai, viết để làm gì, viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?”, Hồ Chủ tịch đã trao gửi một sứ mệnh cao cả cùng nội hàm rộng lớn mà mỗi nhà báo hôm nay phải rèn luyện, phấn đấu không ngừng. Trước hết, bản lĩnh chính trị vững vàng bao giờ cũng là yếu tố tiên quyết của mỗi nhà báo chân chính - người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, đạo đức cách mạng là điều người làm báo thời nào cũng phải trau dồi.

Những ngày này, lợi dụng không gian mạng, những thế lực chống phá đất nước cố tình gieo rắc không ít tư tưởng cực đoan, kích động bạo động, dân chủ tư sản, đi ngược với lợi ích nhân dân. Bởi vậy, mỗi nhà báo phải là chiến sỹ tiên phong trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích của dân tộc, đất nước. Để làm được điều này, nhà báo cần trang bị nền tảng lý luận và thực tiễn phong phú. Sẽ chẳng có gì biện minh cho sự xuống cấp, sai lệch nếu nhà báo sao nhãng hay đi chệch định hướng lớn nói trên. Thành quả vĩ đại đạt được của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đủ để là minh chứng hùng hồn cho mỗi người cầm bút bẻ gãy mọi ý đồ đen tối, dù thâm độc và tinh vi mức nào.

Người làm báo hơn lúc nào hết cần dám đương đầu với cái xấu, cái ác, biết bảo vệ nhân phẩm, lương tri trước cám dỗ và cạm bẫy của “bả” danh lợi, vật chất.

Trau dồi phẩm chất đạo đức còn thể hiện ở sự rèn luyện bản lĩnh để người làm báo đứng vững trước những cám dỗ vật chất, dũng cảm bảo vệ công lý, ngòi bút không bị bẻ cong vì tư lợi cá nhân hay sự chi phối của các “nhóm lợi ích”.

Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Đảng đã thu được những kết quả to lớn. Báo chí đã và đang đồng hành, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp chống “giặc nội xâm” cam go. Tuy nhiên, sự tinh vi, khó lường của tham nhũng, tiêu cực rất cần những nhà báo giàu bản lĩnh và có tinh thần đấu tranh không khoan nhượng. Người làm báo hơn lúc nào hết cần dám đương đầu với cái xấu, cái ác, biết bảo vệ nhân phẩm, lương tri trước cám dỗ và cạm bẫy của “bả” danh lợi, vật chất. Câu chuyện đó không bao giờ cũ khi nơi này, chỗ kia vẫn có những người làm báo trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”.

Nâng cao nghiệp vụ trong kỷ nguyên số

Thấm nhuần lời Bác kính yêu, việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức phải đi đôi với nâng cao năng lực nghiệp vụ trong mọi thời kỳ và hoàn cảnh của cách mạng. Đó đồng thời là yêu cầu, nhiệm vụ với mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí hôm nay, dù nhiệm vụ đó trong bối cảnh mới đôi khi không dễ dàng.

Không chỉ là sự sắc bén, nhanh nhạy, trong kỷ nguyên số, thời của cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi người làm báo phải làm chủ công nghệ báo chí hiện đại. Khi mỗi cơ quan báo chí đã và đang xây dựng mô hình tòa soạn đa nền tảng, kỹ năng của người làm báo tức khắc phải thay đổi. Ở phương diện tác nghiệp nào, nhà báo cũng phải đáp ứng được, đồng thời đi đầu trong sở hữu nguồn tin, trong thông tin chính thống định hướng, chiếm lĩnh không gian, thời gian nhanh và hiệu quả nhất. Chỉ có như vậy, người làm báo cách mạng mới đưa được thông tin đến với độc giả nhanh nhất, loại trừ các “mã tin độc”, “tin giả”, giúp quần chúng nhân dân có điểm tựa chân lý, không dao động, hoang mang, bị các thế lực xấu chi phối, lợi dụng.

Mỗi nhà báo phải là chiến sỹ tiên phong trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích của dân tộc, đất nước. Để làm được điều này, nhà báo cần trang bị nền tảng lý luận và thực tiễn phong phú, có bản lĩnh vững vàng trước mọi cám dỗ vật chất.

Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI) đang và sẽ là thách thức với mỗi người làm báo và cơ quan báo chí. Kỷ nguyên của AI được dự báo sẽ đào thải và làm giảm vai trò cá nhân của không ít ngành nghề. Nghề báo cũng không là ngoại lệ trước thay đổi mang tính bước ngoặt này. Chỉ có nỗ lực đổi mới, tìm tòi và sáng tạo không ngừng, nhà báo mới có chỗ đứng vững vàng trong lòng độc giả và xã hội. Việc tìm ra phương thức thông tin hiệu quả, ứng dụng công nghệ phục vụ cho nhiệm vụ chính trị được giao sẽ giúp các cơ quan báo chí không bị tụt hậu, đào thải. Trước thách thức vô cùng lớn, sự lạc hậu, mòn sáo, “giậm chân tại chỗ” báo trước sự đào thải không thể khác với mỗi nhà báo cũng như cơ quan báo chí trong tương lai.

Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cùng ôn lại lời dạy năm xưa của Bác Hồ, càng thêm thấm nhuần tư tưởng sâu sắc, xuyên qua thời gian và vẫn luôn đúng mà vị Cha già dân tộc, nhà báo cách mạng lỗi lạc gửi gắm tới hậu thế. Lời Bác dạy soi bước cho từng cơ quan báo chí, từng nhà báo trên con đường tác nghiệp, nuôi dưỡng ý thức tự rèn luyện, tự nâng tầm để xứng đáng với niềm tin của dân tộc, đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Chuyên đề