Ảnh minh họa: Internet |
Không nên chuyển nợ qua VAMC
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), hệ thống TCTD đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu, gần bằng 2/3 tổng giá trị nợ xấu được xử lý của 4 năm trước đó. Trong khi đó, số nợ xấu trên báo cáo tài chính quý III/2018 của nhiều ngân hàng đã tăng mạnh so với quý I/2018.
Đánh giá về những con số trên, PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi - chuyên gia ngân hàng - cho rằng, thời gian vừa qua, với sự phối hợp khá hiệu quả giữa ngành ngân hàng với các bộ, ngành có liên quan, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN trong việc thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và thực hiện Quyết định 1058/2017/QĐ-TTg phê duyệt đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, nên số lượng nợ xấu nội bảng và ngoại bảng đã giảm mạnh.
Trong khi đó, từ một góc độ khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng - nêu quan điểm: “Không nên lạc quan quá về thực trạng nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng. Bởi số nợ xấu được xử lý có tăng nhưng nợ xấu mới phát sinh cũng không phải là nhỏ, điều này có thể quan sát được từ báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng. Nghị quyết 42 đã mở ra một hướng giải quyết nhưng chưa thực sự căn cơ. Đáng chú ý, nợ xấu từ các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán cần được công khai rõ rệt hơn. Tại nhiều ngân hàng thương mại, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đang tăng mạnh”.
Ở một động thái khác, đã có 6 ngân hàng thương mại mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC để tự xử lý. Bình luận về điều này, theo ông Hiếu, cách làm này là hợp lý và thuận tiện với các ngân hàng khi họ tin là có thể tự xử lý theo Nghị quyết 42. Trong khi đó, việc để nợ tại VAMC hay mang về nhập cùng một sổ sách tại ngân hàng cũng không có gì khác biệt
Cùng quan điểm về việc dịch chuyển nợ xấu từ VAMC về ngân hàng, bà Nguyễn Thị Mùi cho rằng, từ năm 2019 và những năm tiếp theo, nợ xấu của các ngân hàng thương mại không nên chuyển qua VAMC dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi theo vị chuyên gia này, cho vay không thu hồi được gốc và lãi, để nợ xấu phát sinh là lỗi của ngân hàng, từng ngân hàng phải có trách nhiệm xử lý. Tuy nhiên, NHNN phải tăng cường thanh tra, giám sát và minh bạch hoạt động kinh doanh của hệ thống các TCTD, trong đó có chỉ tiêu nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng theo chuẩn mực quy định. “Khi đó VAMC tham gia mua bán nợ xấu trên thị trường nợ như một định chế tài chính kinh doanh mua bán nợ. VAMC chỉ mua đứt nợ xấu của các NHTM theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu” theo thương mại và thị trường”, bà Mùi nhấn mạnh.
Con đường xử lý nợ xấu vẫn còn gay go
Bàn về hướng xử lý nợ xấu trong thời gian tới, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sẽ còn khó khăn với nút thắt lớn nhất là tình hình sở hữu chéo giữa các ngân hàng hoặc giữa ngân hàng với doanh nghiệp, mặc dù cơ quan nhà nước khẳng định là vấn đề này đã được cải thiện đáng kể.
“Sở hữu chéo thường được che giấu bằng nhiều tầng lớp với nhiều hình thức tinh vi. Do đó, nhìn con số có thể lạc quan nhưng thực chất, tôi tin đây vẫn là vấn đề nhức nhối của hệ thống ngân hàng. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, NHNN cần thanh tra, giám sát chặt chẽ để bảo đảm các ngân hàng tuân thủ pháp luật”, ông Hiếu nói.
Đề xuất về cách thức đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Mùi cho rằng, các TCTD cần kiểm soát hiệu quả các khoản tín dụng, tăng trưởng phải gắn với nâng cao chất lượng nợ, hạn chế nợ xấu phát sinh. “Mặt khác, khi phát sinh nợ xấu, các ngân hàng cần chủ động xử lý bằng nhiều biện pháp như: cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi, miễn lãi, phối hợp với địa phương, các cấp chính quyền thu hồi, phát mãi tài sản bảo đảm để thu hồi nợ”, bà Mùi nói.