Nợ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục mới 313 nghìn tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), nợ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục mới là 313 nghìn tỷ USD vào năm 2023, trong đó các nền kinh tế đang phát triển đạt đỉnh mới về tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tại Báo cáo Giám sát nợ toàn cầu, IIF cho biết, nợ toàn cầu đã tăng hơn 15 nghìn tỷ USD trong quý cuối cùng của năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.

"Khoảng 55% mức tăng này bắt nguồn từ các thị trường trưởng thành, chủ yếu do Mỹ, Pháp và Đức thúc đẩy", báo cáo của IIF nhận xét. Đồng thời, theo Báo cáo, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu giảm khoảng 2 điểm phần trăm xuống gần 330% vào năm 2023.

Trong khi tỷ lệ nợ trên GDP giảm ở các nước phát triển, một số thị trường mới nổi lại chứng kiến tỷ lệ này ở mức cao mới. Ấn Độ, Argentina, Trung Quốc, Nga, Malaysia và Nam Phi có mức tăng lớn nhất, báo hiệu những thách thức tiềm tàng trong việc trả nợ.

"Với việc Fed được dự báo sắp cắt giảm lãi suất, sự không chắc chắn xung quanh quỹ đạo của lãi suất chính sách của Mỹ và đồng USD có thể làm tăng thêm biến động thị trường và khiến các điều kiện tài trợ chặt chẽ hơn đối với các quốc gia có sự phụ thuộc tương đối cao vào vay nước ngoài", báo cáo của IIF nhận định.

Theo IIF, nền kinh tế toàn cầu đang cho thấy "sự kiên cường" trước sự biến động của chi phí đi vay, dẫn đến tâm lý nhà đầu tư phục hồi.

Nhu cầu vay vốn ngày càng tăng, đặc biệt ở các thị trường mới nổi vào năm 2024, khi khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế tăng lên.

Đầu năm - thường là thời điểm bận rộn cho việc bán nợ đủ loại - đã chứng kiến Ả Rập Saudi, Mexico, Hungary, Romania và một loạt nước khác thực hiện một số đợt phát hành trái phiếu lớn, đạt kỷ lục mọi thời đại trong tháng 1 ở mức 47 tỷ USD.

"Nếu được duy trì, tâm lý lạc quan này cũng sẽ đảo ngược tình trạng giảm nợ đang diễn ra của các chính phủ châu Âu và các tập đoàn phi tài chính ở các thị trường đã phát triển - hiện ít nợ hơn so với thời kỳ trước đại dịch", báo cáo của IIF viết.

Tuy nhiên, IIF bày tỏ lo ngại về khả năng áp lực lạm phát trở lại, điều này có thể dẫn đến chi phí đi vay cao hơn. Ngoài ra, địa chính trị đã nhanh chóng nổi lên như một "rủi ro cấu trúc thị trường", với sự phân mảnh sâu sắc hơn làm dấy lên mối lo ngại về kỷ luật tài chính trên toàn cầu.

"Thâm hụt ngân sách chính phủ vẫn đang cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch và sự gia tăng xung đột trong khu vực có thể gây ra sự gia tăng đột ngột trong chi tiêu quốc phòng", IIF nhận xét.

Chuyên đề