Nỗ lực gấp đôi, gấp ba để cầm cự và vượt khó

(BĐT) - Đại dịch Covid-19 đã tác động rất nghiêm trọng đến thị trường bất động sản (BĐS), khiến cho những tháng đầu năm 2020 tình hình vô cùng trầm lắng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, từ đầu quý III năm nay trở đi thị trường sẽ bước vào giai đoạn khởi sắc.
Nhiều ý kiến cho rằng, từ đầu quý III năm nay trở đi thị trường bất động sản sẽ bước vào giai đoạn khởi sắc. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều ý kiến cho rằng, từ đầu quý III năm nay trở đi thị trường bất động sản sẽ bước vào giai đoạn khởi sắc. Ảnh: Lê Tiên
Nỗ lực gấp đôi, gấp ba để cầm cự và vượt khó ảnh 1
Từ tháng 7 trở đi, thị trường sẽ bứt phá

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)

Thị trường BĐS phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế “khó chồng khó” do đại dịch Covid-19, nên các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) BĐS cần nỗ lực gấp đôi, gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn này. Nhưng người dân và DN có niềm tin là đại dịch Covid-19 sẽ được khống chế hiệu quả và thị trường BĐS phục hồi trở lại ngay sau khi chấm dứt đại dịch (dự báo vào cuối tháng 6).

Tuy nhiên, giai đoạn thị trường trầm lắng hiện nay cũng chính là cơ hội để các tập đoàn và DN BĐS thực hiện chiến lược tái cấu trúc DN theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng. Đối với các tập đoàn lớn có thể lựa chọn sản xuất, kinh doanh đa ngành để ứng phó với các biến động của thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực BĐS.

Nỗ lực gấp đôi, gấp ba để cầm cự và vượt khó ảnh 2
Các DN chuẩn chỉnh về mặt pháp lý sẽ chiếm được nhiều lợi thế

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng giám đốc Hưng Lộc Phát Corporation

Thị trường BĐS năm 2020 sẽ có nhiều biến động do những thách thức ngày càng lớn liên quan đến rủi ro pháp lý, siết chặt tín dụng cũng như tình hình dịch bệnh, khiến khách hàng có tâm lý thận trọng hơn khi lựa chọn kênh đầu tư. Thay vì chọn những sản phẩm BĐS siêu lợi nhuận thì giới đầu tư sẽ chọn sản phẩm an toàn.

Với diễn biến này, các chủ đầu tư phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường để mang đến cho khách hàng một sản phẩm giá trị “thật” và giữ được uy tín trong tất cả mọi cam kết với khách hàng.

Dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi. Khi tâm lý nhà đầu tư vào các phân khúc BĐS, nhất là dòng BĐS nghỉ dưỡng càng an toàn và ổn định thì các DN chuẩn chỉnh về mặt pháp lý sẽ có nhiều lợi thế. Nếu mức giá đưa ra thị trường phù hợp, cộng thêm tiến độ triển khai của các công trình hạ tầng, sân bay được đẩy mạnh, chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng.

Nỗ lực gấp đôi, gấp ba để cầm cự và vượt khó ảnh 3
DN BĐS mạnh mẽ tái cấu trúc để vượt qua khủng hoảng

Ông Nguyễn Văn Điềm, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị mới Thủ Thiêm

Thực tế cho thấy, các DN đầu tư và kinh doanh BĐS đã trải qua gần nửa năm với nhiều khó khăn, thách thức. Đối với dòng sản phẩm đất nền, từ quý IV/2019 đến nay giao dịch khá chậm, chưa có dấu hiệu hồi phục, giao dịch ổn định chủ yếu là các sản phẩm trên dưới 1 tỷ đồng, tập trung ở khu vực vùng ven các đô thị lõi. Dòng sản phẩm căn hộ chung cư cao tầng đang khan hiếm nguồn cung. Sự khác biệt của dòng sản phẩm căn hộ chung cư cao tầng so với đất nền là thanh khoản tốt, lượng giao dịch khá ổn định. Đối với dòng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng ven biển, thanh khoản ổn định chỉ tập trung vào một vài dự án của những chủ đầu tư lớn, còn lại đang “chờ cơ hội” từ việc điều chỉnh các định chế pháp lý từ cơ quan hữu quan.      

So với cùng kỳ năm ngoái, có rất ít DN mạnh dạn ồ ạt đầu tư các dự án BĐS trên nhiều phân khúc. Nhà đầu tư cá nhân thì vẫn đang có động thái “chờ thời qua mùa dịch” khiến cho toàn thị trường trở nên khó khăn hơn. Để duy trì hoạt động, hiện các DN đang mạnh mẽ tái cấu trúc.

Nỗ lực gấp đôi, gấp ba để cầm cự và vượt khó ảnh 4
Hoạt động đầu tư chậm lại trong nửa đầu năm 2020

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL Việt Nam)

Theo dự báo của JLL, hoạt động đầu tư có thể chậm lại trong nửa đầu năm 2020 do các nhà đầu tư do dự trước tình hình bất ổn, trong đó lĩnh vực bán lẻ và khách sạn bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các nhà đầu tư sẽ nghiêng về tài sản trú ẩn an toàn, cân nhắc về rủi ro như ổn định thu nhập và khả năng vận hành.

Đối với thị trường nhà ở, xu hướng nhà ở với mật độ dân số cao và không gian cộng đồng lớn có khả năng làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch. Tuy nhiên, BĐS nhà ở vẫn là tài sản đầu tư tốt, hưởng lợi từ thu nhập tiền thuê ổn định và khả năng linh hoạt giá thuê để đảm bảo tỷ lệ lấp đầy. Nhu cầu nhà ở vốn ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ thị trường.

Mặc dù hậu quả kinh tế ngắn hạn của Covid-19 đã rõ ràng, nhưng không nên bỏ qua các tác động đến xã hội và thị trường BĐS dài hạn. Đại dịch này cũng sẽ thay đổi cách sống và làm việc của chúng ta, có khả năng tạo ra các mô hình hoạt động mới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư