Những thách thức hiện tại của kinh tế Hàn Quốc

Việc phế truất Tổng thống Park Geun-hye đã gỡ bỏ yếu tố gây bất ổn lớn với nền kinh tế này suốt nhiều tháng qua, nhưng các vấn đề mới lại đang nảy sinh.

Hôm qua, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết phế truất bà Park. Bà sẽ phải rời nhiệm sở ngay lập tức và Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử trong 60 ngày tới để tìm người thay thế.

"Việc có Tổng thống mới sẽ giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng ngắn hạn cho Hàn Quốc. Trở về trạng thái bình thường sẽ làm tăng niềm tin nhà đầu tư, vốn đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi scandal chính trị gần đây", Krystal Tan - nhà kinh tế học khu vực châu Á tại Capital Economics dự báo.

Dù vậy, scandal gần đây đã khiến Hàn Quốc lao đao, khiến nhiều vấn đề mới nảy sinh trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và triển vọng không mấy sáng sủa. Hàn Quốc "đang đối mặt với một núi thách thức", Rajiv Biswas – kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IHS Markit nhận xét.

Theo CNN, dưới đây là những vấn đề lớn nhất hiện tại của Hàn Quốc.

1. Căng thẳng với Trung Quốc

Triển vọng kinh tế Hàn Quốc năm nay không mấy sáng sủa. Ảnh:Reuters

Việc Hàn Quốc quyết định cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ nước mình đã khiến Trung Quốc bất mãn. Vì Bắc Kinh cho rằng nó đe dọa đến an ninh của họ.

Giới chức nước này được cho là đã bí mật yêu cầu các công ty du lịch ngừng bán tour tới Hàn Quốc và gây khó dễ cho một tập đoàn lớn của nước này tại đây. Vấn đề là Trung Quốc là thị trường cho 25% hàng xuất khẩu Hàn Quốc và đóng góp nửa khách du lịch hằng năm cho nước này. Biswas cho rằng kinh tế Hàn Quốc đang gặp rủi ro lớn vì đòn trả đũa của nước láng giềng.

2. Lãnh đạo các doanh nghiệp lớn gặp rắc rối

Scandal tham nhũng khiến bà Park bị phế truất cũng kéo theo nhiều công ty lớn vào vòng lao lý. Người thừa kế đế chế Samsung - Lee Jae-yong đang bị bắt và điều tra với nhiều cáo buộc, trong đó có hối lộ. Ông và các lãnh đạo hàng đầu khác của Samsung đều phủ nhận những cáo buộc này. Tuy nhiên, họ có thể đối mặt với nhiều năm tù nếu bị phán quyết có tội.

Samsung có thể còn rơi vào tình hình khó khăn hơn, nếu khoảng trống quyền lực khiến họ phải trì hoãn các quyết định quan trọng về chiến lược và đầu tư. Samsung được ước tính đóng góp tới 15% GDP Hàn Quốc.

3. Khủng hoảng ngành vận tải biển

Hanjin chính thức phá sản từ tháng trước. Ảnh:BBC

Vận tải biển là ngành quan trọng với kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại đã khiến ngành đóng tàu và vận tải biển rơi vào khủng hoảng. Số tàu container dư thừa trong khi hàng hóa không đủ lấp đầy đã khiến các đại gia ngành này lao đao.

Hanjin Shipping từng là một trong những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, họ giờ đã phá sản. Chính phủ Hàn Quốc đã phải cam kết rót hàng tỷ USD để cứu các hãng đóng tàu lớn nước này. Thời gian qua, ngành này đã sa thải hàng nghìn nhân công.

4. Không thúc đẩy cải tổ

Các nhà kinh tế học không mấy lạc quan về triển vọng của Hàn Quốc năm nay. "Nền kinh tế này khó mà bật lên mạnh được", Capital Economics nhận xét, "Tăng trưởng có thể bị ghìm lại bởi nợ công cao, ngành vận tải biển vẫn đang tái cấu trúc và nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài".

Bên cạnh đó, chưa chắc Tổng thống mới có thể giải quyết được các vấn đề kinh tế lớn của hoj, trong đó có già hóa dân số và thị trường lao động co hẹp. "Việc cải tổ Hàn Quốc rất ít được bàn đến. Quốc hội nước này thiếu một đảng nắm đa số ghế. Tức là bất kỳ ai đắc cử cũng sẽ rất khó thực hiện cải tổ", Capital Economics kết luận.

Chuyên đề