Mô phỏng phương án đánh chặn tên lửa đạn đạo của S-500
Sau vụ Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình vào căn cứ không quân Shayrat của Syria hồi tuần trước, một đại tá không quân thuộc học viện quân sự Nga đã thừa nhận rằng tổ hợp tên lửa S-300, S-400 mà Nga triển khai ở Syria là không đủ để ngăn chặn mọi cuộc tấn công đường không, đặc biệt là với các tên lửa hành trình bay thấp khó đánh chặn như Tomahawk, theo Sputnik.
Đại tá không quân về hưu Nga Vladimir Karjakin khẳng định S-300 và S-400 không đủ để tạo nên lưới phòng không đa tầng bao trùm không phận Syria, mà cần phải có sự hỗ trợ của một loạt tổ hợp phòng không khác như tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1, tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2, tên lửa tầm ngắn Tor, thậm chỉ là các loại tên lửa vác vai như Verba và Igla.
Theo chuyên gia quốc phòng Dave Majumdar của Natinonal Interest, lưới phòng không đa tầng của Nga sẽ hoàn thiện hơn khi quân đội nước này được biên chế hệ thống tên lửa S-500 và các tổ hợp phòng thủ tẩm trung S-350 Vityaz mà Moscow sắp hoàn thiện.
Khi được đưa vào biên chế, tổ hợp S-500 sẽ tạo nên lớp phòng thủ tầm cao nhất trong mạng lưới phòng không của Nga, bởi nó có thể bắn hạ các mục tiêu bay ở độ cao tới 200 km. Với tầm bắn khoảng 500-600 km, S-500 đủ năng lực theo dõi 5-20 mục tiêu đạn đạo cùng lúc và đánh chặn đồng thời 5-10 tên lửa đang lao đến với tốc độ siêu thanh (5 -7 km/s) ở giai đoạn cuối hoặc giữa hành trình.
Ngoài ra, S-500 còn được phát triển để bắn hạ được những thiết bị vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, cũng như các mục tiêu trong không gian nhằm đối phó với vũ khí vũ trụ của Mỹ.
Dù có tầm bắn bao phủ Syria, S-400 đã không bắn hạ được tên lửa hành trình bay thấp của Mỹ. Đồ họa:BBC
S-500 cũng được cho là có cơ chế đánh chặn theo kiểu va chạm trực tiếp (hit to kill) giống với hệ thống đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Song song với việc phát triển S-500, Nga cũng đang tiếp tục thử nghiệm hệ thống phòng thủ tầm trung S-350 Vityaz để tăng cường khả năng đánh chặn những mục tiêu ở tầm thấp hơn như tên lửa hành trình.
Một tổ hợp S-350 sẽ bao gồm một xe chỉ huy, hai radar và 8 xe phóng. Tên lửa sử dụng kiểu đánh chặn va chạm trực tiếp, có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao 30 km và tầm xa 120 km. S-350 có thể phóng 32 tên lửa để đánh chặn 16 mục tiêu cùng lúc.
"Người Nga sẽ kết nối S-500 với S-400, S-300VM4, S-350 cùng một số loại vũ khí khác để hoàn thiện mạng lưới phòng không đa tầng, gây trở ngại lớn cho các máy bay chiến đấu tàng hình F-22, F-35 và B-2 của Mỹ", một quan chức quân sự Mỹ nhận định.