Những người hùng áo trắng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến hết sức mình, không quản ngày đêm, hiểm nguy và gian khó để chống lại đại dịch Covid-19, sớm đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường. Những ngày qua, lớp lớp anh chị em y, bác sĩ xung phong vào tâm bão, lên tuyến đầu chống dịch bởi với họ đây là trách nhiệm, là vinh dự, là nghĩa vụ thiêng liêng của mình, mà không đòi hỏi bất cứ một danh hiệu nào”...
Đi vào tâm dịch là đi vào mặt trận cam go nhất, nhưng nhiều y, bác sĩ vẫn nở nụ cười lạc quan với tâm thế thoải mái, toát lên sự tự tin chiến thắng đại dịch. Ảnh: PV
Đi vào tâm dịch là đi vào mặt trận cam go nhất, nhưng nhiều y, bác sĩ vẫn nở nụ cười lạc quan với tâm thế thoải mái, toát lên sự tự tin chiến thắng đại dịch. Ảnh: PV

TS. Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh trong cuộc chuyện trò với phóng viên Báo Đấu thầu. Có lẽ, chính sự hy sinh thầm lặng khiến các y, bác sĩ… trở thành người hùng áo trắng trong lòng nhân dân, thắp lên niềm tin chiến thắng đại dịch trong một ngày không xa.

Đối mặt với rủi ro

Đại dịch Covid-19 là dịch bệnh vô cùng nguy hiểm và khốc liệt.

Trong ngành y, rủi ro lớn nhất là lây nhiễm chéo trong bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến cuối - tuyến phòng ngự cuối cùng của trận chiến. Điều này đã được tiên lượng, dự phòng từ rất sớm, nhưng vẫn không thể tránh khỏi. Thực tế dịch đã xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2...

Nhớ lại thời điểm ngày 7/5/2021 - khi Bệnh viện K xuất hiện ca F0, TS. Phạm Văn Bình cho biết, mặc dù trước đó Bệnh viện đã xây dựng kịch bản khi có ca F0, nhưng sự lây lan mạnh của dịch bệnh khiến Bệnh viện gặp vô vàn khó khăn. Lúc đó, Bệnh viện có tới hơn 5.000 nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân... Hàng ngày phải đáp ứng 10 nghìn suất ăn; cung cấp vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng hộ (áo, khẩu trang, kính chống giọt bắn...); vừa phải tuân thủ kỷ luật cao nhất, cách ly khoa với khoa, phòng với phòng, tầng với tầng để tránh lây nhiễm chéo... Bệnh nhân ung thư là bệnh nhân có bệnh nền nên rủi ro cao nhất khi nhiễm Covid-19, vì vậy, càng đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống nhiễm khuẩn.

Sau 35 ngày, Bệnh viện được dỡ phong tỏa, hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Bệnh viện K lại tiếp tục đối mặt với khó khăn mới trong điều kiện bình thường là làm sao tránh lọt F0, để không phải đóng cửa một lần nữa.

“Đây là bài học xương máu giúp chúng tôi tích lũy kinh nghiệm, từ đó có kế hoạch ứng phó chặt chẽ hơn và tuyệt đối không được phép chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Tuy nhiên, đây là một điều không hề dễ, bởi ngoài cộng đồng, các địa phương lân cận, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường”, ông Bình nói.

Sự hy sinh thầm lặng

Để hỗ trợ chống dịch tại miền Nam - mặt trận nóng bỏng nhất hiện nay, từ ngày 1/7/2021 đến ngày 21/8/2021, theo Bộ Y tế, cả nước đã có khoảng 15 nghìn nhân viên y tế được huy động từ Bộ Y tế, các địa phương, các trường y dược, các bệnh viện trung ương... Đối với lực lượng quân y, theo Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng), tham gia chống dịch tại TP.HCM hiện có hơn 2.000 cán bộ, nhân viên quân y (tính đến ngày 20/8/2021). Đó là chưa kể lực lượng y tế tại chỗ của các địa phương đang trực tiếp chống dịch... Trước đó, lực lượng y tế khắp cả nước đã chung tay, chi viện cho Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh... giúp kiểm soát thành công dịch bệnh.

Mặc dù còn nhiều khó khăn và vừa trải qua “cơn bão táp”, nhưng Bệnh viện K vẫn tiếp tục hòa chung dòng chi viện cho miền Nam cùng với các bệnh viện tuyến trung ương khác. Ngoài việc hỗ trợ đồng nghiệp, theo nhận định của TS. Phạm Văn Bình, việc điều trị và chăm sóc những ca bệnh nặng, phức tạp và là bệnh mới với phác đồ điều trị mới còn giúp cho mỗi cán bộ y tế trưởng thành lên rất nhiều. Đây chính là trường đại học tốt nhất về mặt lâm sàng, tích lũy kinh nghiệm quý báu cho đội ngũ y, bác sĩ.

Theo GS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, mặt trận chống dịch là mặt trận của toàn dân, của cả nước, nhưng ai cũng gọi y tế là lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu. Có thể thấy, càng thiên tai địch họa, càng khốc liệt bao nhiêu thì lực lượng y tế càng gian khổ bấy nhiêu, để giành giật lại sự sống. Sự hy sinh đó rất đáng được trân trọng.

“Chỉ cần mặc bộ đồ bảo hộ kín mít trong vòng 2 - 3 tiếng thôi, thì mồ hôi đã túa ra như tắm, vô cùng khó chịu, nóng nực, ngứa ngáy. Mồ hôi chảy ra làm mờ hết cả kính. Những lúc tháo đồ bảo hộ ra để lau kính là lúc có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Cho nên, những người tham gia chống dịch như những chiến sĩ cảm tử, sẵn sàng bỏ sang một bên tất cả tình cảm gia đình, sức khỏe bản thân để tiến lên phía trước”, GS.TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ Hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng thuộc Tiểu ban Điều trị bệnh nhân Covid-19 quốc gia chia sẻ.

Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Việt Nam đã có hơn 900 nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 khi chăm sóc người bệnh, phải thở máy, lọc máu và có người không qua khỏi.

“Ranh giới giữa sự sống và cái chết gần nhau lắm, nhưng họ dám xông pha, chấp nhận rủi ro, hy sinh để xông lên phía trước, bởi phía trước là người bệnh, là đồng bào. Ngoài mệt mỏi về thể xác vì mỗi ngày chỉ được chợp mắt vài tiếng, chăm sóc bệnh nhân không ngừng nghỉ, họ còn gặp phải sự căng thẳng về tinh thần. Ai đã trải qua những giây phút sống còn của bệnh nhân, không thể cứu chữa được dù đã dốc hết sức và vận dụng hết vốn liếng kiến thức, kinh nghiệm, thì thấy thấm thía lắm, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh nặng nề theo suốt cuộc đời. Theo một kết quả nghiên cứu, 50% nhân viên làm việc tại các đơn vị hồi sức tích cực bị tổn thương về tinh thần. Nhưng thực tế, không mấy ai kể ra, vì họ chỉ nghĩ đó là trách nhiệm, tình thương yêu đối với bệnh nhân”, GS.TS Nguyễn Gia Bình chia sẻ.

Vững vàng trước gian khó

Đi vào tâm dịch là đi vào mặt trận cam go nhất, nhưng nhiều y, bác sĩ vẫn nở nụ cười lạc quan với tâm thế thoải mái, toát lên sự tự tin chiến thắng đại dịch. Đó là nụ cười tươi trẻ của bác sĩ Đặng Minh Hiệu - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khi được đồng nghiệp “xuống tóc” để lao vào mặt trận Bắc Giang; là bức tranh vẽ những chiến sĩ áo trắng đang gồng mình đẩy xe cáng bệnh nhân vượt qua bão táp; hay câu chuyện hai vợ chồng bác sĩ Bệnh viện Việt Đức gửi con thơ cho ông bà để cùng nhau đi chống dịch; hình ảnh PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiên cường đứng cạnh tấm biển với dòng chữ “Không được quay đầu”... Rất nhiều câu chuyện, hình ảnh đầy cảm động được người dân truyền tai nhau, lan tỏa rộng rãi trên Internet.

Chia sẻ suy nghĩ trước khi vào Nam chống dịch, BS. Trần Nam Chung – Phó Trưởng khoa Cơ Xương Khớp của Bệnh viện E cho biết: “Chúng tôi lên đường với ý chí chiến thắng đại dịch, quyết là tấm lá chắn vững chắc bảo vệ những người bệnh đang ngày đêm chống chọi với dịch hiểm nguy; quyết trả lại cuộc sống bình yên cho mỗi xóm làng, thành phố; trả lại nụ cười hồn nhiên trên khuôn mặt con thơ và gia đình lại được sum họp, vui vầy”.

“Những người đã khoác lên mình chiếc áo blue trắng, ai cũng cảm thấy mình phải có trách nhiệm với cộng đồng, là lương tâm, là tình thương yêu đồng bào. Đó vừa là nghĩa vụ thiêng liêng, vừa là vinh dự. Họ cảm thấy hạnh phúc khi được cống hiến. Do đó, hầu hết đều có tâm thế hồ hởi, gác lại mọi khó khăn của bệnh viện, của gia đình để hòa chung vào dòng chi viện cho miền Nam ruột thịt. Bên cạnh ngành y còn có các lực lượng công an, bộ đội, dân phòng, cho đến người tình nguyện vận chuyển đồ ăn thức uống, cắm chốt sàng lọc, vùng xanh..., tất cả làm nên bức tranh tổng thể về tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Khi có được sự đoàn kết, quyết tâm đồng lòng của cả dân tộc thì chắc chắn sẽ chiến thắng đại dịch”, TS. Phạm Văn Bình chia sẻ đầy hy vọng.

Chuyên đề