Nhiều cuộc thầu có 3 nhà thầu nộp HSDT nhưng 2 nhà thầu vi phạm những lỗi sơ đẳng như: thiếu bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh sai tên đơn vị thụ hưởng… Ảnh: Lê Tiên |
Công thức quen thuộc 3-2-1
Với đấu thầu rộng rãi ở nhiều lĩnh vực như xây lắp, mua sắm, đặc biệt là các gói thầu có giá trị lớn, sự cạnh tranh giữa các nhà thầu ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm thực tế dự rất nhiều buổi mở thầu cũng như tham chiếu với hàng trăm biên bản mở thầu, câu chuyện 3-2-1 đã và đang ngày càng nhức nhối trong đấu thầu. 3-2-1 chính là công thức “ruột” của những cuộc thầu vốn dĩ chỉ có một nhà thầu ngay từ đầu. Biểu hiện rõ nhất của công thức này chính là gói thầu có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Tuy nhiên, có đến 2 nhà thầu “tự nguyện” vi phạm những lỗi sơ đẳng trong HSDT như: thiếu bảo lãnh dự thầu (BLDT), BLDT không tuân thủ đúng thời gian quy định; các nội dung như hiệu lực của HSDT, tên đơn vị thụ hưởng BLDT cũng vênh hoàn toàn với các yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT)… Do đó, chỉ đối chiếu với biên bản mở thầu đã có thể biết được nhà thầu nào sẽ là ứng viên duy nhất lọt vào vòng sau, và nghiễm nhiên trở thành nhà thầu trúng thầu. Trong trường hợp này, cả hai nhà thầu dự thầu đều đóng vai quân xanh một cách lộ liễu.
Hiện nay, công thức 3-2-1 đã có nhiều biến tướng, tinh vi hơn trước rất nhiều. Và nếu không phải những người trong cuộc, không có nhiều thông tin đối chiếu thì không thể phán đoán được bản chất của trò vây thầu, quây thầu ở đây. Cụ thể, rất nhiều gói thầu mà phóng viên Báo Đấu thầu có cơ hội chứng kiến đóng/mở thầu có biểu hiện của công thức 3-2-1 quái chiêu. Liên tục hai gói thầu xây lắp lớn tại TP.HCM được đóng/mở thầu vào tháng 3/2019 đều có chung biểu hiện này. Theo biên bản mở thầu, cả 3 nhà thầu dự thầu đều tỏ ra cạnh tranh ác liệt trong từng nội dung, không có bất kỳ nhà thầu nào “vấp” phải những lỗi cơ bản. Tuy nhiên, trong ba nhà thầu dự thầu, chỉ có duy nhất một nhà thầu có khả năng trúng thầu, bởi hai nhà thầu còn lại không làm rõ HSDT, không đạt điểm kỹ thuật, hoặc xếp hạng thấp hơn. Soi lại những kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) trước đó của cả 3 nhà thầu cho thấy, họ đã “kề vai, sát cánh” với nhau trong nhiều gói thầu. Thậm chí, có nhiều trường hợp các gói thầu vẫn đang trong thời gian thi công chung. Rõ ràng, khi là đối tác, khi là đối thủ chỉ là hình thức bên ngoài để che đậy mối quan hệ thân hữu, chồng chéo giữa các nhà thầu.
Vòng kỹ thuật - khe cửa chỉ dành cho 1 nhà thầu
Tại sao hiện nay, rất nhiều gói thầu quy mô lớn, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, thông qua đấu thầu rộng rãi vẫn thường chỉ duy nhất một nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật? Tại sao sự phát triển với tốc độ cao, sức cạnh tranh giữa các nhà thầu tăng mà rất hiếm gói thầu “rộng cửa” cho nhiều ứng viên bước vào vòng 2 để đánh giá về giá? Hay như một nhà thầu đã chua chát cho rằng: “Có lẽ, yêu cầu về kỹ thuật của các HSMT hiện đang quá khắt khe, hơn mức cho phép đáp ứng của đông đảo nhà thầu”? Rất nhiều câu hỏi đặt ra trong tình trạng “gói thầu chỉ có 1 nhà thầu lọt vào vòng tài chính” hiện nay.
Mọi nhà thầu đàng hoàng khi tham gia đấu thầu đều mong muốn bằng năng lực, kinh nghiệm của mình có thể đáp ứng được yêu cầu của HSMT. Tuy nhiên, rất nhiều bên mời thầu/chủ đầu tư bằng quyền lực của mình đã tước đi cơ hội chính đáng này thông qua nhiều cách ngay từ bước kỹ thuật: đưa ra các tiêu chí thiếu cạnh tranh, cố tình đánh trượt oan uổng, không cho nhà thầu làm rõ HSDT, phớt lờ kiến nghị của nhà thầu… Những gói thầu này được mệnh danh là “khe cửa hẹp” vì chỉ tạo điều kiện cho duy nhất một nhà thầu vào vòng tài chính.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, những nhà thầu bị loại oan uổng ngay từ khâu đánh giá kỹ thuật rất cay đắng. “Chủ đầu tư quá bất chấp, nếu họ rộng cửa cho nhiều nhà thầu vào vòng tài chính, họ sẽ có cơ hội tiết kiệm cho ngân sách rất nhiều. Chúng tôi hoàn toàn có thể giúp tiết kiệm từ 5 đến 15% giá gói thầu nếu được tạo cơ hội cạnh tranh thực sự”- một nhà thầu phản ánh.
Với những gói thầu chỉ một nhà thầu lọt vào vòng tài chính như trên, tất yếu, giá dự thầu sẽ sát giá gói thầu. Đương nhiên, khi công bố KQLCNT, giá trúng thầu chỉ giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước vô cùng ít, thậm chí chưa đến 0,1%.
Chỉ thị số 03/CT của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã nội soi được rất nhiều vấn đề phát sinh từ những cuộc thầu chỉ dành cho một nhà thầu và đưa ra các giải pháp căn cơ, quyết liệt để xử lý. Vấn đề bây giờ chính là các giải pháp chấn chỉnh đấu thầu hình thức này có được các bộ, ngành, địa phương, người có thẩm quyền nghiêm túc thực hiện?