Những công trình hạ tầng đáng kinh ngạc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng với diễn biến gia tăng dân số và sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng kết cấu hạ tầng ngày càng gia tăng, làm biến đổi mạnh mẽ những “khái niệm" về công trình xây dựng. Trong năm 2023, thế giới vẫn đang chứng kiến những công trình hạ tầng đáng kinh ngạc, từ những tòa tháp “chạm” tới bầu trời cho tới hệ thống giao thông kết nối các lục địa.

Một số công trình dưới đây có thể xem là điểm nhấn không chỉ bởi quy mô, mà còn bởi sức ảnh hưởng tới tự nhiên, đóng góp cho cộng đồng dân cư, nền kinh tế và những tiến bộ khoa học cho thế giới. Đó là các dự án đầy tham vọng tại nhiều lĩnh vực, từ năng lượng, hạ tầng đô thị, giải trí cho tới hàng không vũ trụ.

Palm Jumeirah - đảo nhân tạo lớn nhất thế giới

Palm Jumeirah (Quần đảo Cây cọ) rộng 560 ha được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới, có thể được nhìn thấy từ mặt trăng và là đảo nhân tạo lớn nhất toàn cầu. Điều đáng kinh ngạc là việc xây dựng Palm Jumeirah đã bắt đầu cách đây 20 năm, thể hiện tầm nhìn, cũng như sức mạnh của Dubai.

Palm Jumeirah là công trình lấn biển mang hình dáng cây cọ, được tạo thành từ 95 triệu m3 cát cùng 7 triệu tấn đá… Hòn đảo gồm phần thân cây dài 5 km, 16 nhánh lá cọ, với phần bao quanh hình trăng khuyết tạo thành gần 17 km đê chắn sóng.

Một yếu tố đáng ngạc nhiên về kỹ thuật xây dựng đảo nhân tạo Palm Jumeirah là chỉ hoàn toàn sử dụng cát và đá, không có thép hoặc bê tông và sử dụng công nghệ nén vibro để nén vật liệu. Để tạo hình dáng cây cọ hoàn hảo đòi hỏi mức độ tỉ mỉ và cẩn thận cao, do đó các kỹ sư đã áp dụng công nghệ DGPS tân tiến nhất thời điểm đó để các tàu nạo vét phun cát vào vị trí với độ chính xác tuyệt đối.

Đáng chú ý, dự án trị giá 12 tỷ USD bắt đầu vào năm 2001 và chỉ 6 năm sau, những cư dân đầu tiên đã di chuyển vào sống trên đảo.

Trên hòn đảo nhân tạo này còn có hơn 100 khách sạn hạng sang, cùng các biệt thự và hơn 5.000 căn hộ sang trọng dọc bờ biển, bến du thuyền, các công viên nước, nhà hàng, trung tâm mua sắm, khu thể thao và các dịch vụ spa, chăm sóc sức khỏe…, đóng góp tích cực cho ngành du lịch tại Dubai.

Trạm vũ trụ quốc tế (ISS)

Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) là một phòng thí nghiệm quỹ đạo, đã phục vụ hơn 250 phi hành gia, các nhà khoa học với nhiều quốc tịch khác nhau kể từ năm 1998 cho tới nay. ISS được biết đến như một dự án xây dựng đa quốc gia, là kết cấu đơn lẻ lớn nhất mà con người đã đưa vào không gian.

ISS là trạm vũ trụ lớn nhất từng được xây dựng với biên độ khá rộng. Nếu chúng ta đặt nó trên mặt đất, ISS sẽ trải dài trên toàn bộ một sân bóng đá từ bên này sang bên kia. Trạm có chiều dài gần 109 mét và trọng lượng khoảng 453.5923 tấn.

Thực tế, người ta phải lắp ráp từng mảnh của ISS trong khi nó lao trong không gian với vận tốc 28.000 km/h, tương đương bay trọn một vòng quanh Trái Đất chỉ trong 90 phút. Mất 10 năm và hàng chục nhiệm vụ để hoàn thành quá trình lắp ráp cho tới nay. Dự kiến sẽ tiếp tục có các nhiệm vụ mở rộng trạm vũ trụ này.

Ngoài sứ mệnh khám phá không gian, một trong những mục tiêu chính của Trạm vũ trụ quốc tế là tìm hiểu tác động của việc lưu lại lâu trong không gian đối với cơ thể con người, kiến thức này sẽ là chìa khóa giúp chúng ta có thể du hành đến các địa điểm khác xa hơn trong vũ trụ.

Bình lục - kênh đào nhân tạo lớn nhất thế giới

Tháng 8/2022, Trung Quốc chính thức khởi công xây dựng Dự án Kênh đào Bình Lục - kênh đào lớn nhất của Trung Quốc sau 700 năm kể từ khi kênh đào thế kỷ Đại Vận Hà được xây dựng. Dự án kênh đào Bình Lục có chiều dài 135 km với trị giá lên tới 72,7 tỷ Nhân dân tệ (10,1 tỷ USD).

Sau khi hoàn thành (dự kiến năm 2026), đây sẽ là con kênh kết nối sông và biển lớn nhất thế giới, với tổng khối lượng đào đắp hơn 339 triệu m3, gấp 3 lần đập Tam Hiệp.

Con kênh này có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải lên tới 5.000 tấn và có khả năng tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng năm lên đến hơn 5,2 tỷ Nhân dân tệ (725 triệu USD).

Dự kiến sẽ có 108 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua kênh đào Bình Lục vào năm 2035 và 130 triệu tấn vào năm 2050. Kênh đào Bình Lục cho phép các tàu container hoặc tàu chở hàng đi từ TP. Nam Ninh đến Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác trong vài tuần; đồng thời hành trình vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh nội địa miền Tây Trung Quốc ra biển sẽ rút ngắn hơn 560 km.

Cầu vượt biển Hong Kong - Macau - Chu Hải

Là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới, công trình 20 tỷ USD này phải mất đến gần một thập niên để hoàn thiện. Tổng chiều dài của cầu Hong Kong - Ma Cao - Chu Hải là 55 km, gồm 3 cây cầu cáp treo, 2 đảo nhân tạo với diện tích rộng 100.000 m2 mỗi đảo và 1 đường hầm biển dài 6,7 km.

Công trình sử dụng 420.000 tấn thép, có khả năng chịu được động đất 8 độ richter và bão cấp 16. Cây cầu giúp thời gian đi từ Hong Kong tới Chu Hải rút ngắn từ 4 giờ xuống còn 30 phút.

Cây cầu này đánh dấu một bước ngoặt trong tham vọng lớn hơn của Trung Quốc nhằm phát triển Greater Bay Area - một trung tâm kinh tế năng động bao gồm Hong Kong, Macau và 9 thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông.

Chuyên đề